1. Đến giữa năm 1966, đế quốc Mỹ xâm lược đẩy mạnh “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh cùng chư hầu vào miền Nam nước ta; dùng không quân bắn phá miền Bắc hòng gỡ thế thất bại ở miền Nam và ép chúng ta “đàm phán” theo ý muốn của chúng. Với Thủ đô Hà Nội, ngày 29-6-1966, Mỹ đã cho máy bay bắn phá Tổng kho xăng dầu Đức Giang, thực hiện hành động leo thang nguy hiểm.
Ngày 17-7-1966, trong Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Giônxơn và bè lũ phải biết rằng: Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội của chúng càng thêm nặng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Lời hịch của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang vọng non sông đã truyền sức mạnh cho quân dân Thủ đô và đồng bào chiến sĩ cả nước, nung nấu thêm ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trước thất bại nặng nề trên cả hai miền Nam - Bắc, dù buộc phải chấp nhận bản dự thảo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nhưng Mỹ lại lật lọng, vẫn nuôi ảo tưởng dùng sức mạnh quân sự để ép buộc ta phải ký hiệp định theo ý đồ của chúng.
Cùng với thái độ lật lọng, đòi thay đổi những điều khoản cơ bản của dự thảo hiệp định, ra “tối hậu thư” về nối lại đàm phán trong 72 giờ, Tổng thống Mỹ Níchxơn đã lệnh mở cuộc tập kích ồ ạt vào Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc từ ngày 18 đến 29-12-1972. Quân và dân Thủ đô cùng quân dân miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích chiến lược dã man của đế quốc Mỹ, lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, làm nức lòng nhân dân cả nước, bạn bè thế giới ngợi ca Hà Nội là thủ đô của lương tri nhân loại. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” thực sự là ý chí và động lực to lớn tạo nên sức mạnh Việt Nam chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, non sông thu về một mối bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
2. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được khởi nguồn khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin về giải phóng dân tộc thuộc địa, tiếp thu tinh thần tiến bộ: Tự do - Bình đẳng - Bác ái trong Tuyên ngôn độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (1776), Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp (1789). Người đã dẫn dắt dân tộc đấu tranh để giành lại độc lập tự do. Chân lý đó được khẳng định sâu sắc trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Tinh thần, ý chí đó là tiếp nối “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” năm 1946 “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Lời hịch cứu nước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là chân lý soi đường, động viên quân và dân ta, tạo nguồn sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được làm thành biểu ngữ, trân trọng, giương cao trong các cuộc biểu tình của nhân dân, bạn bè năm châu, ủng hộ Việt Nam, chống Mỹ xâm lược. Phong trào giải phóng dân tộc đã lan tỏa rộng rãi, cuộc đấu tranh giành độc lập, xóa bỏ chế độ thực dân cũ, chế độ thực dân mới phát triển mạnh mẽ khắp các châu lục là minh chứng cho xu thế của thời đại: Độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, đặc biệt khi dịch Covid-19 đang bùng phát, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó. Chính vì vậy, chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đó cũng là cách thực hiện tốt hơn nữa tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong mọi điều kiện, hoàn cảnh...