Trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là yêu cầu cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy hành chính. Tuy nhiên cũng cần hiểu rằng, hiệu quả của việc này không chỉ đơn thuần là đo lường xem cắt giảm được bao nhiêu đơn vị hành chính, tinh giản được bao nhiêu biên chế mà điều quan trọng nhất là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền, chất lượng các dịch vụ công mà người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng.
Sáp nhập huyện, xã: Không chỉ là những con số cơ học…
Ở giai đoạn 1, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, được Bộ Chính trị đánh giá nhiệm vụ này đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Trong 3 năm triển khai thực hiện, việc giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã là một nỗ lực rất lớn của các địa phương. Điều này thể hiện được quyết tâm rất lớn của người đứng đầu, sự đồng lòng của nhân dân khi thực hiện yêu cầu nghị quyết của Trung ương và nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Theo PGS.TS Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện hành chính Quốc gia, trước đây nước ta cũng đã từng thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính nhưng chủ yếu theo hướng chia, cắt, còn đây là lần đầu tiên tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính theo hướng sát nhập.
Kết quả mà nước ta đạt được trong 3 năm qua (2019 - 2021) đã góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt cũng nhờ sắp xếp lại đơn vị hành chính nước ta đã giảm chi ngân sách nhà nước đến 2.000 tỷ đồng.
Thông tin cũng như nhận định về kết quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, giai đoạn 2019 - 2021, ông Nguyễn Ánh Dương, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ khẳng định: Việc sắp xếp đơn vị hành chính góp phần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, góp phần sàng lọc đội ngũ, nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại những đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp. Đặc biệt, việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng đã góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển bền vững.
“Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở những địa phương (cấp huyện, cấp xã) thực hiện sắp xếp đều được kiện toàn và bảo đảm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp không bị ảnh hưởng nhiều”, ông Dương nhấn mạnh thêm về những kết quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Dương cho rằng, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận lại những khó khăn, tồn tại cần khắc phục. Trước hết, do thời gian gấp gấp lại mới bắt đầu tiến hành sắp xếp với số lượng đơn vị hành chính lớn nên từ việc ban hành các quy định của các cơ quan Trung ương đến việc xây dựng đề án của các địa phương chưa lường hết được những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.
“Chưa thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư; chất lượng đô thị chưa được bảo đảm do sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị; việc sắp xếp, xử lý các trụ sở làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn bất cập; việc thực hiện các chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp chưa kịp thời”, ông Dương thẳng thắn.
Từ những tồn tại, bất cập được nhìn nhận nên theo ông Dương, trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương trong việc chuyển đổi công năng sử dụng, thanh lý, bán đấu giá đối với những trụ sở, tài sản công. Nhiều địa phương cũng đã tích cực thực hiện các giải pháp để tái sử dụng tránh gây lãng phí hoặc bán đấu giá để tăng nguồn thu cho ngân sách.
Cũng theo ông Dương, tại Nghị quyết số 117 ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xử lý dứt điểm vấn đề tài sản công dôi dư chưa xử lý khi sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2019 - 2021.
Lộ trình thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025
Theo Nghị quyết 117 ngày 30/7/2023 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, được Chính phủ ban hành mới đây, thì mục tiêu đặt ra đến năm 2024, các địa phương hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025
Theo báo cáo của 63 địa phương, giai đoạn 2023-2025 sẽ sáp nhập 33 huyện và hơn 1.300 xã thuộc diện "bắt buộc sắp xếp", chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.
Ông Dương cho rằng, so với giai đoạn trước, ở giai đoạn này sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi đã có các bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của giai đoạn 2019-2021 để hoàn thiện các quy định nhằm tổ chức sắp xếp tốt hơn cho các giai đoạn sắp tới. Bên cạnh đó, nhiều kết quả tích cực của quá trình sắp xếp đơn vị hành chính của giai đoạn 2019 -2021 cũng đã góp phần tạo động lực cho việc sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian tới. Và quan trọng là thời gian để các địa phương xây dựng và hoàn hiện hồ sơ đề án cũng dài hơn, bảo đảm việc nghiên cứu kỹ lưỡng, hợp lý trong việc sắp xếp đơn vị hành chính
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2023 - 2025 do quy mô của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải tiến hành sắp xếp lớn hơn giai đoạn trước nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiến hành sắp xếp và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hậu sắp xếp. Tại một số nơi, những vướng mắc, bất cập của việc sắp xếp giai đoạn 2019 -2021 vẫn chưa được xử lý dứt điểm cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Đối với việc nhập các đơn vị hành chính nông thôn vào các đơn vị hành chính đô thị phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định cũng tạo ra nhiều thách thức cho các địa phương khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành đô thị.
Sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh:Việc sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Thủ tướng cũng chỉ đạo: Sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm hài hòa quyền lợi hợp pháp của các chủ thể.
Ông Nguyễn Ánh Dương cho rằng, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính mới chỉ là bước đầu. Điều quan trọng là sau khi sắp xếp thì đơn vị hành chính mới được hình thành phải sớm ổn định và phát triển. Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ cũng đã yêu cầu khi các địa phương xây dựng Đề án xác định các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài đối với các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp. Đây cũng là cơ hội để các địa phương tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng công vụ, công chức, hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập lớn thứ 2 cả nước, Hà Tĩnh vào cuộc với quyết tâm cao, lắng nghe ý kiến từ nhân dân và xây dựng phương án sáp nhập lấy hiệu lực, hiệu quả làm cốt lõi.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, số đơn vị hành chính cấp xã Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp lớn: 80/262 đơn vị, chiếm 30,5%, giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới. Một số huyện giảm nhiều đơn vị hành chính cấp xã như huyện Đức Thọ giảm 12 xã, huyện Thạch Hà giảm 9 xã, huyện Hương Sơn giảm 7 xã, huyện Can Lộc giảm 5 xã, huyện Cẩm Xuyên giảm 4 xã. Trong giai đoạn tới 2023 - 2030, qua rà soát, Hà Tĩnh có 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 89 đơn vị hành chính cấp xã không đủ tiêu chí phải nghiên cứu sắp xếp.
Ông Bùi Quang Dương, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Đây là một khối lượng công việc lớn, nhưng nếu như tạo được sự đồng thuận của nhân dân qua các hoạt động truyền thông vận động thì cũng sẽ vượt qua được khó khăn thách thức.
“Giai đoạn 2019 - 2021, hầu như cả hệ thống chính trị của Hà Tĩnh đều xuống xã để đồng hành cùng cấp uỷ chính quyền địa phương thực hiện sắp xếp nên tỷ lệ đồng tình của người dân đạt trên 96%. Ngoài ra đặc biệt quan tâm đến công tác sắp xếp, bố trí, lựa chọn đúng cán bộ có năng lực vào vị trí đứng đầu cấp uỷ chính quyền, đoàn thể cấp xã, đồng thời có chính sách thoả đáng cho đội ngũ cán bộ dôi dư…”, ông Bùi Quang Dương cho rằng, những bài học kinh nghiệm này của giai đoạn trước sẽ được kế thừa để phát huy trong việc thực hiện nhiệm vụ của giai đoạn 2023 - 2030.
Quan tâm giải quyết số cán bộ công chức dôi dư và tài sản công…
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bài toán lớn nhất vẫn là giải quyết chế độ chính sách với số cán bộ dôi dư; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất sau khi sắp xếp. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu giải quyết tốt những vấn đề này sẽ tạo động lực cho việc sắp xếp trong giai đoạn tới.
PGS.TS Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện hành chính Quốc gia cho rằng: việc sắp xếp đơn vị hành chính ở giai đoạn 2023 - 2030 phải được chuẩn bị cẩn thận, toàn diện, thấu đáo và tính toán kỹ lưỡng. Đặc biệt khi đụng chạm đến công tác cán bộ, con người thì phải kiên trì, cẩn thận, vừa thuyết phục vừa động viên kèm theo những chế độ chính sách hợp lý, thoả đáng.
Còn theo thông tin từ ông Nguyễn Ánh Dương, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ: Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2019-2021, các văn bản pháp luật vừa được ban hành đã đề ra nhiều giải pháp để xử lý tốt hơn đối với trụ sở và cán bộ, công chức dôi dư. Cụ thể để thời hạn 03 năm cho việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công; thời hạn 05 năm để giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 về chính sách tinh giản biên chế, trong đó đã bổ sung quy định cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính ngoài việc được hưởng các chính sách tinh giản biên chế thì còn được hưởng thêm chính sách do sắp xếp đơn vị hành chính. Nếu nghỉ càng sớm so với thời hạn 05 năm thì chế độ được hưởng càng nhiều.
“Với những giải pháp được ban hành như vừa qua, cá nhân tôi nghĩ sẽ tạo thuận lợi cho các địa phương khi xử lý trụ sở, tài sản và cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính”, ông Dương nêu quan điểm và nhấn mạnh để việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành công thì điều quan trọng nhất phải có sự quyết tâm, vào cuộc của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp tỉnh. Khi người đứng đầu quyết tâm, cả hệ thống chính trị cùng hưởng ứng và nhân dân đồng tình ủng hộ thì mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ và chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ sớm thành công.