Sát sao với bữa ăn bán trú24/10/2023 - 15:01:00 Suất ăn lèo tèo không đủ dinh dưỡng; ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bán trú tại trường... đang là những nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh. Để đảm bảo bữa ăn bán trú an toàn, đầy đủ dinh dưỡng cần được sự quan tâm sát sao của các cơ quan chức năng, nhà trường, phụ huynh và cả học sinh.
Bữa ăn không đủ no Ngày 11/10, phụ huynh có con học tại Trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) đã bất ngờ kiểm tra bếp ăn và vô cùng bức xúc khi chứng kiến suất ăn bán trú của các con chỉ lèo tèo vài món, không đảm bảo chất lượng. Cụ thể, 1 suất cơm bán trú có mức giá 32.000 đồng, chỉ bao gồm 1 miếng giò nhỏ, 1 ít khoai tây và 3-4 miếng cá chiên giòn, vài ba sợi giá. Hôm khác, thực đơn vẫn chỉ là một ít khoai tây, 3-4 miếng cá chiên giòn nhỏ và thay miếng giò bằng một miếng thịt nhỏ. Chiều 17/10, Trường THCS Yên Nghĩa tổ chức cuộc họp 3 bên sau sự việc phụ huynh phản ánh. Hiệu trưởng nhà trường bà Hoàng Thị Thu Trinh cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra nhà trường đã làm việc với Công ty Hoa Sữa, công ty xác nhận do người chia suất ăn chia chưa đồng đều nên có một số khay thức ăn bị ít thức ăn. Nhà trường cũng đã nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý bếp ăn bán trú. Trước sự việc trên, nhiều phụ huynh có con học bán trú khá lo lắng về việc bữa ăn của con ở trường. Chị Hoàng Ngọc Lan có con học tại một trường THCS trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ rằng: “Mỗi ngày đi học về con luôn tìm đồ ăn đầu tiên. Nhìn cách con ăn như đứa trẻ bị đói khiến tôi rất thương con. Con đang ở độ tuổi dậy thì nên nhu cầu dinh dưỡng là khá lớn, không biết bữa ăn ở trường có đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho con học không?”. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho rằng, bữa ăn bán trú ngoài yếu tố an toàn thì cần phải đảm bảo chất lượng. Đối với năng lượng của các bữa ăn cho học sinh tại trường học, cần bảo đảm theo tỉ lệ chung, theo từng nhóm tuổi. “Các trường học cần bảo đảm xây dựng thực đơn bữa ăn khoa học, cân đối, hợp lý, thực đơn bữa ăn học đường phải bảo đảm đa dạng thực phẩm. Chế biến gồm có món xào, món mặn, món canh, món tráng miệng. Nên đạt tối thiểu trên 10 loại thực phẩm khác nhau, có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới gồm: Nhóm thực phẩm giàu chất đạm (thịt, cá, thủy sản, trứng, đậu đỗ...), chất béo (dầu ăn, mỡ), chất bột đường (cơm, mì, phở, bún...), rau, trái cây, sữa trong đó nhóm chất béo là bắt buộc. Thực đơn mang tính khả thi, chế biến hợp lý bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Trường hợp nếu khẩu phần ăn không đáp ứng đầy đủ sẽ ảnh hưởng tới cân nặng và chiều cao của trẻ. Trẻ sẽ thiếu các vi chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất...”- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh. Nỗi lo thực phẩm bẩn Bên cạnh vấn đề dinh dưỡng, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bữa ăn bán trú cũng được phụ huynh đặc biệt quan tâm khi gần đây đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học. Mới nhất, sau bữa ăn bán trú ngày 13/10, học sinh trường Tiểu học Thành Công B, (quận Ba Đình, Hà Nội) bị đau bụng, sốt, đi khám được chẩn đoán nhiễm khuẩn đường ruột. Bà Phạm Minh Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B cho biết, khoảng 22h ngày 15/10, nhà trường nhận được phản ánh của phụ huynh qua nhóm riêng của lớp về việc học sinh một số lớp như 3A5, 2A6 bị đau bụng và sốt. Phụ huynh cho biết sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán các em bị nhiễm khuẩn đường ruột. Ngay trong đêm nhà trường đã rà soát, nắm bắt tình hình học sinh có hiện tượng trên và hướng dẫn phụ huynh theo dõi sức khỏe học sinh. Nhà trường đã làm việc với đơn vị cung cấp thực phẩm và mời đoàn kiểm tra của Trung tâm Y tế quận Ba Đình phối hợp làm rõ nguyên nhân và tác nhân gây ngộ độc nếu có. Trước đó ngày 9/10, khoảng 60 học sinh Trường THCS Vân Đồn (quận 4, TPHCM) cùng nhiều giáo viên sau khi ăn bữa bán trú xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn ói. Từ thực tế trên, vấn đề cấp thiết đặt ra là cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra các quy trình bếp ăn hàng ngày của học sinh. Không thể để tình trạng ngộ độc thực phẩm, bữa ăn kém chất lượng “lan truyền” từ trường này sang trường khác khi từ đầu năm học mới đến nay đã có rất nhiều vụ việc liên quan đến bếp ăn, thực phẩm trong nhà trường báo động về nguy cơ mất an toàn vệ sinh. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn tại các bếp ăn trường học không chỉ là việc của cơ quan chức năng, mà trực tiếp là các giáo viên, phụ huynh cần phải nêu cao tinh thần giám sát chặt chẽ hằng ngày để biết được chuỗi thực phẩm, quy trình chế biến bữa ăn bán trú, bởi đây là quyền lợi giúp đảm bảo an toàn cho con. Đồng thời cần nâng cao vai trò của Hiệu trưởng trong việc chịu trách nhiệm về bếp ăn ở trường học. Đặc biệt, đơn vị cung cấp suất ăn và các nhà trường cần làm bằng cái tâm, đặt sức khỏe học sinh lên trên hết để mang đến những bữa ăn bán trú chất lượng cho học sinh. Để bữa ăn bán trú được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng, theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam (Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam), công tác kiểm tra, giám sát, quản lý bếp ăn cần phải sát sao hơn. Theo đó, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn bán trú học đường cần có sự phối hợp của Ban giám hiệu, đại diện phụ huynh học sinh và nhân viên y tế nhà trường. Nguyên tắc là phụ huynh nào cũng được quyền tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn. Việc kiểm tra giám sát được kết hợp giữa kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất. Nhà trường có trách nhiệm công bố thực đơn theo tuần để Ban phụ huynh được biết, theo dõi. Quy trình giám sát bữa ăn bán trú gồm việc kiểm tra tất cả các khâu: Khâu nhập nguyên liệu, bảo quản nguyên liệu đến các khâu chế biến, bảo quản thực phẩm sau chế biến. Nếu nhà trường không có bếp ăn có thể ký kết với đơn vị bên ngoài, tuy nhiên cần chọn đơn vị có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và bắt buộc phải lưu mẫu 24 giờ tất cả món ăn trong ngày tại bếp ăn để phục vụ việc truy xuất nguyên nhân nếu gây ra sự cố an toàn thực phẩm. Nếu được, cần sử dụng các bộ kit test nhanh trong quá trình kiểm tra giám sát. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|