Sau cải cách, lương có đủ sống?08/05/2024 - 21:16:00 Thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024 là lương phải đủ sống, cũng như gắn với việc tinh giản biên chế để bộ máy hoạt động thực sự hiệu quả.
Nhằm gấp rút các quy định, văn bản để thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024, Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã yêu cầu phải hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí việc làm trước ngày 31/3/2024 gắn với cơ cấu công chức, cơ cấu viên chức theo vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp sau đó, sau khi hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí việc làm, bắt đầu từ tháng 4/2024 trở đi sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định về vị trí việc làm và điều chỉnh kịp thời vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên hiện nay còn một số bộ, địa phương chưa xây dựng vị trí việc làm để làm cơ sở cải cách tiền lương. Do đó vấn đề đẩy nhanh tiến độ đang được Bộ Nội vụ “đốc thúc” phải xong trong tháng 5. Đồng thời tổ chức các hội nghị góp ý kiến vào các dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương mới bảo đảm đủ cơ sở pháp lý thực hiện từ ngày 1/7. Việc hoàn thiện hồ sơ, tài liệu về các nội dung cơ bản thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương mới đang được đốc thúc và đẩy nhanh tiến độ để thực hiện. Và thực tế lương cũng chính là sự mong mỏi của nhân dân và cử tri cả nước. Bởi đây là lần thực hiện theo chế độ tiền lương mới tại Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương sau nhiều năm “lỗi hẹn”. Cải cách tiền lương là một cú hích cho thị trường lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa. Vì vậy, sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024 là vấn đề bức thiết hơn bao giờ hết. Điều đáng nói, không chỉ là thực hiện theo chế độ tiền lương mới, mà lương như thế nào để đảm bảo đời sống cho người dân là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội. Bởi sau mỗi lần “điều chỉnh lương thì giá hàng hoá lại “té nước theo mưa” khiến lương phải “chạy theo giá”. Trở lại vấn đề lương mới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá công chức, viên chức theo vị trí việc làm gắn với kết quả sản phẩm đầu ra và thực hiện trả lương theo vị trí việc làm phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Để chuẩn bị cho việc cải cách tiền lương từ 1/7, cũng như xây dựng vị trí việc làm, ông Vũ Đăng Minh - Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, khi thực hiện việc này, nếu lương mới thấp hơn lương cũ thì cho phép bảo lưu lương theo tinh thần Nghị quyết 27 là lương mới bảo đảm không thấp hơn mức lương cũ. “Để bảo đảm đối tượng cán bộ, công chức này có đời sống đáp ứng được ở một mức tiền lương cố định nào đó hiện nay chúng tôi đang xin một mức lương khoảng trên 5 triệu đồng. Tức là lương tối thiểu vùng áp dụng với các đối tượng này. Khi chúng ta cải cách tiền lương thì đảm bảo những người có thu nhập thấp nhất cũng không thấp hơn 5 triệu đồng/tháng” - ông Minh nói và cho biết, tới đây sẽ trình Ban Bí thư ban hành Quyết định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức khối cơ quan của Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, những người thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Đồng thời ban hành 12 thông tư hướng dẫn cụ thể về các hệ thống thang bảng lương, cách chi trả, cách tính toán tiền lương áp dụng đối với tiền lương mới. Về vấn đề trên, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, thực hiện chính sách tiền lương mới là một bước đạt được sự công bằng, tạo động lực cho người hưởng lương để nâng cao hiệu quả chất lượng công việc. Để đạt được mục tiêu “đủ sống” là một quá trình chứ không phải một lần cải cách có thể đạt được ngay. Lần này tổng quỹ lương tăng lên mấy chục %, khó có thể nói đây là sự “đột biến”, nhưng là bước cải thiện để tạo ra cơ chế trả lương theo vị trí việc làm. Tức là trả lương theo hiệu quả công việc, tạo động lực thúc đẩy người lao động nâng cao trách nhiệm và tăng cường hiệu quả chất lượng công việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|