Sáu chương trình nghị sự trên sẽ là tâm điểm của các cuộc thảo luận của G20 liên quan đến các vấn đề kinh tế, tài chính và tiền tệ trong suốt nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia chính thức bắt đầu vào ngày 1/12 vừa qua. Trong đó, hai chương trình nghị sự đầu tiên là sự tiếp nối các nỗ lực của hai Chủ tịch G20 tiền nhiệm Italia và Saudi Arabia nhằm mục đích điều phối quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu hậu đại dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani, một trong những công việc này là sự cần thiết giải quyết sự phục hồi kinh tế không đồng đều, ngăn chặn tác động từ việc bình thường hóa các chính sách tiền tệ, và tăng cường vai trò của các cơ quan đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Phát biểu họp báo trực tuyến, bà Sri Mulyani khẳng định: “Trong nỗ lực kiểm soát lạm phát, chúng ta có thể thảo luận tại diễn đàn G20 này để nó không gây ra thiệt hại lớn cho phần còn lại của thế giới”.
Chương trình nghị sự thứ ba và thứ năm liên quan đến số hóa. Indonesia sẽ nỗ lực tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế nhằm tăng cường hệ thống thanh toán xuyên biên giới, trong đó có việc thảo luận về các nguyên tắc chung về tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) và tận dụng công nghệ kỹ thuật số để thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Cũng phát biểu tại họp báo, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) Perry Warjiyo cho rằng “hệ thống thanh toán ưa thích là cách tăng tốc và đơn giản hóa các giao dịch xuyên biên giới với phí giao dịch thấp”.
Liên quan đến chương trình nghị sự thứ tư, Indonesia sẽ tìm cách giải quyết các rào cản tài chính đối với các nỗ lực giảm thiểu thiệt hại của tình trạng biến đổi khí hậu như phát triển các công nghệ giảm phát thải khí carbon và xây dựng các cơ sở năng lượng tái tạo. Cuối cùng, Indonesia sẽ tìm cách biến hệ thống thuế quốc tế trở nên công bằng hơn giữa các nước phát triển và đang phát triển, bằng cách điều phối các chính sách thuế đối với các công ty công nghệ đa quốc gia.