Sau một năm gỡ bỏ lệnh phong tỏa, Vũ Hán vẫn lao đao vì đại dịch08/04/2021 - 15:13:00 Một năm sau khi Vũ Hán dỡ bỏ lệnh phong tỏa, hoạt động bán lẻ và du lịch của thành phố 11 triệu dân vẫn chưa thể trở lại mức bình thường. Nhiều người vẫn lo ngại virus rình rập.
Ngày 8/4 đánh dấu một năm kể từ khi đợt phong tỏa kéo dài 76 ngày tại Vũ Hán được dỡ bỏ. Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), tâm chấn đầu tiên của đợt bùng phát dịch Covid-19. Theo Nikkei Asian Review, trong khi nhiều quốc gia vẫn đang vật lộn với đại dịch, Trung Quốc đã dần phục hồi. Tuy nhiên, quá trình phục hồi của Vũ Hán mới được nửa chặng đường. Doanh thu bán lẻ và du lịch còn ở dưới mức trung bình quốc gia. Các cửa hàng vừa và nhỏ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Cách xử lý đợt bùng dịch đầu tiên của chính quyền Trung Quốc bị cho là nguyên nhân khiến lĩnh vực bán lẻ và du lịch của Vũ Hán sa sút kéo dài.
Chật vật gượng dậyTheo ghi nhận của Nikkei vào một ngày cuối tuần, tại trung tâm mua sắm Guanggu International Plaza - nằm ở trung tâm thành phố - chỉ lác đác vài người qua lại. Một cửa hàng quần áo nam treo biển "Thanh lý quần áo" để đóng cửa. Gần đó, một cửa hàng trong chuỗi Urban Revivo của Trung Quốc đã không hoạt động kể từ tháng 3. "Hết cửa hàng này đến cửa hàng khác đóng cửa kể từ tháng 7 năm ngoái do dịch Covid-19. Giờ, chỉ còn khoảng 10 cửa hàng tại đây", một nhân viên tại Guanggu International Plaza tiết lộ. Tình hình của Luxiang Plaza Shopping Center thậm chí còn tệ hại hơn. Tòa nhà đóng cửa vĩnh viễn vào ngày 1/4. Hồi tháng 7 năm ngoái, ông Wang, 40 tuổi, phải đóng cửa hàng bánh của mình và chịu lỗ 500.000 NDT (76.430 USD) do công việc kinh doanh đình trệ vì dịch bệnh. "Giờ, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc làm tài xế taxi", ông than thở. Doanh số bán lẻ tại Vũ Hán đã lao dốc 3,6% trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, doanh số bán lẻ trên toàn quốc tăng 6,4%.
Trong hai tháng đầu năm, doanh số bán lẻ ở Tô Châu, Thành Đô và Nam Kinh tăng lần lượt 13,1%, 8,0% và 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là ba thành phố có quy mô nền kinh tế tương đương Vũ Hán. Năm 2020, Vũ Hán, Tô Châu, Thành Đô và Nam Kinh lần lượt xếp thứ 9, 6, 7 và 10 trên toàn quốc về GDP. Chính quyền Trung Quốc khẳng định Vũ Hán không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng nào kể từ tháng 6/2020. Thành phố 11 triệu dân đã hồi sinh. Các cư dân địa phương cũng ra ngoài nhiều hơn. "Lưu lượng khách đã trở lại mức bình thường tại các cửa hàng bình dân", Nikkei dẫn lời người quản lý của một cửa hàng nằm trên đường Hanjie chia sẻ. "Tuy nhiên, những cửa hàng không đắt khách trước đây ngày càng ít khách. Các cửa hàng nhỏ, không có tiềm lực tài chính mạnh, cũng lâm vào cảnh túng quẫn", người này nói thêm. Ngành du lịch cũng chưa thể hồi sinh. Doanh thu du lịch tại Vũ Hán trong Lễ hội Mùa xuân năm nay sụt giảm 49% so với cùng kỳ năm 2019. Mức giảm của Tô Châu, Thành Đô và Nam Kinh chỉ 21%, 38% và 24%. Lo ngại virus"Vũ Hán nổi tiếng là địa điểm lý tưởng để ngắm hoa anh đào. Kể từ tháng 3, lượng đặt phòng đã bắt đầu tăng lên. Nhưng không biết đến khi nào mọi thứ mới trở lại bình thường", một nữ giám đốc 29 tuổi của một khách sạn tại Vũ Hán chia sẻ. Vũ Hán đã được chính quyền Bắc Kinh khẳng định là một thành phố an toàn sau đợt phong tỏa nghiêm ngặt. Theo số liệu chính thức của chính phủ, số người từng nhiễm Covid-19 tại Vũ Hán khoảng 50.000 người. Tuy nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Vũ Hán ước tính con số thực tế lên đến 168.000 người. Theo Nikkei Asian Review, bức tranh toàn cảnh vẫn chưa rõ ràng, và chính sự không chắc chắn đó đã cản đường phục hồi của ngành bán lẻ và du lịch của Vũ Hán. "Tôi không muốn đến Vũ Hán vì virus có thể đang rình rập", một cư dân 35 tuổi ở thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) chia sẻ.
Cha của ông Zhang Hai, 51 tuổi, sống tại Vũ Hán, đã qua đời vì virus corona. Hồi đầu tháng 3/2020, ông yêu cầu chính quyền tiết lộ thông tin của bệnh nhân trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Nhưng ông Zhang bị từ chối. "Cha tôi qua đời vì chính quyền thành phố và các thành phố khác che đậy thông tin trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Họ nên cung cấp thông tin rõ ràng", ông phẫn nộ. Khi quy mô thực sự của đợt bùng phát ở Vũ Hán còn chưa rõ ràng, ngành du lịch vẫn sẽ sa sút vì những lo ngại về virus. Thành phố phải phụ thuộc vào các lĩnh vực khác như sản xuất công nghiệp và bất động sản để phục hồi nền kinh tế. Cả hai lĩnh vực đều tăng trưởng nhanh hơn mức bình quân của cả nước trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019. Ngành công nghiệp ôtô là ngành công nghiệp lớn nhất thành phố. So với năm 2019, doanh số bán hàng của Dongfeng Honda Automobile - liên doanh của Honda tại Trung Quốc - đã tăng 40,6% lên 135.000 xe trong hai tháng đầu năm nay. Liên doanh của Nissan Motor cũng có trụ sở chính tại Vũ Hán.
Ông Takehiko Saek, Trưởng văn phòng Vũ Hán tại Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, cho biết sản xuất và bán hàng tại các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đang "tăng trưởng mạnh mẽ". Theo ông, lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và bảng điều khiển cũng leo dốc. Doanh số bất động sản tại thành phố 11 triệu dân cũng gia tăng, nhất là khi giá nhà đất tại Thượng Hải và Bắc Kinh ngày càng cao. Một nhà môi giới bất động sản tiết lộ doanh số bán căn hộ chung cư tăng vọt. "Những người giàu có đã mua hàng trở lại sau khi trì hoãn do đợt bùng dịch", cô chia sẻ. Nhờ sự khuyến khích của chính phủ, các công ty lớn của Trung Quốc, bao gồm gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com, cũng đã công bố kế hoạch đầu tư vào Vũ Hán. Theo Zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|