Sau Tết Nguyên đán, người lao động chạy đua tìm việc làm17/02/2022 - 16:06:00 Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường lao động cả nước đang ấm dần lên. Nhiều người lao động đang hối hả tìm việc làm ổn định sau Tết. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu tuyển dụng thêm lao động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Tìm việc làm ổn định hơn Theo Tổng cục Thống kê, hết năm 2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người lao động trở về các tỉnh, thành phố do dịch Covid-19. Trong số này, có khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TP Hồ Chí Minh và gần 600.000 người từ các tỉnh phía Nam, hơn 676.000 người từ các địa phương khác. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều người lao động. Thế nên, ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, không ít người lao động từ bỏ việc làm cũ để tìm một việc làm mới ổn định hơn. Trong đó, có người lao động chuyển hướng tìm việc tại quê nhà. Mong sớm tìm việc làm nên từ ngày 4 Tết, anh Ngô Anh Hùng (35 tuổi, quê Thái Bình) đã rời quê lên Hà Nội. Anh Hùng là công nhân sản xuất cho một công ty tại Hà Nội. Anh cho biết, gần 1 năm công việc bấp bênh nên cả năm qua, anh không có tiền dành dụm gì. Cuối năm, anh Hùng đã quyết định viết đơn xin nghỉ việc dù đã gắn bó với công ty được hơn 4 năm. Đến thời điểm này, anh Hùng đã tìm được công việc mới. Anh Hùng chia sẻ: “Năm mới, tôi hi vọng công việc sẽ khởi sắc hơn năm ngoái. Tôi cũng mong công việc ổn định chứ không muốn “nhảy” việc thêm lần nữa”. Lương, thưởng không cao là nguyên nhân chính khiến nhiều người lao động muốn đổi việc, tìm công việc tốt hơn sau Tết. Những ngày nghỉ Tết ở quê, chị Phùng Ngọc Yến (28 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) tìm việc trên các trang website của công ty, các nhóm tuyển dụng trên mạng xã hội. Tốt nghiệp bằng giỏi chuyên ngành Kế toán, nhưng mức lương của chị Yến nhận được chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Chị Yến cũng xin nghỉ việc vào cuối năm và mong muốn tìm công việc có thu nhập cao hơn và có cơ hội thăng tiến. “Với bằng cấp và hơn 2 năm kinh nghiệm, tôi tin là mình sẽ tìm được việc làm như ý. Sau khi nộp hồ sơ đã có 3 công ty phản hồi và hẹn lịch phỏng vấn. Cơ hội việc làm không khó nhưng quan trọng có ổn định và phù hợp với mình hay không?”, chị Yến chia sẻ. Sau thời gian dài dịch bệnh liên tiếp diễn biến phức tạp, nhiều người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Vì thế, trong năm nay, không ít người chuyển hướng tìm công việc ở quê nhà. Về quê ăn Tết cùng gia đình ở Hà Tĩnh, chị Nguyễn Minh Chuyên (34 tuổi) không muốn quay trở lại thành phố làm việc. Chị Chuyên cho biết, 2 năm qua công việc bấp bênh nên có thời gian dài chị phải tạm thời ở nhà nghỉ việc không lương. Thu nhập không ổn định nên chị buộc phải gửi con về quê cho ông bà ngoại chăm bẵm. Một mình mưu sinh trên đất Thủ đô, chị Chuyên tâm sự, chị rất nhớ con và bố mẹ. “Đã hơn 2 năm, dịch bệnh khiến tôi lao đao, khốn khó. Xa quê đã lâu, năm nay tôi quyết định nghỉ việc trên thành phố và tìm việc mới ở quê. Tôi chấp nhận dù mức lương có thấp hơn lương hiện tại nhưng tôi được gần gia đình và không phải lo toan tiền thuê nhà, tiền ăn học, sinh hoạt hằng ngày của hai mẹ con”, chị Chuyên cho hay. Thị trường lao động náo nhiệt Theo ghi nhận, hiện nay, các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động trở lại. Số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp tương đối ổn định. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng tuyển dụng thêm lao động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Những ngày đầu năm, không khí lao động sản xuất tại Công ty CP May Sông Hồng khu vực Xuân Trường (tỉnh Nam Định) vô cùng hối hả. Ông Nguyễn Huy Tuấn, Giám đốc điều hành công ty cho biết, dù dịch bệnh gây ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống nhưng những năm qua, việc làm của công nhân trong công ty khá ổn định, gần như không có lao động bỏ công ty tìm việc làm nơi khác sau mỗi kỳ nghỉ Tết. Theo ông Tuấn, Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi cán bộ, công nhân của công ty được thưởng 2,5 tháng lương (24-25 triệu đồng). Chính vì thực hiện tốt các chính sách mà ngày đầu tiên làm việc của năm nay, 100% công nhân của công ty đã đi làm đầy đủ. Chị Mai Thị Hương, Tổ trưởng Tổ sản xuất số 1, Công ty CP May Sông Hồng khu vực Xuân Trường cho biết thêm: “Được bảo đảm việc làm, tiền lương, thưởng và các chế độ phúc lợi nên chúng tôi luôn gắn bó với công ty. Dịp Tết vừa qua, ngoài tiền lương, thưởng, công ty và công đoàn còn hỗ trợ những suất quà Tết ý nghĩa cho công nhân nên ai cũng phấn khởi”. Tại Hà Nội, tính đến ngày 8/2 đã có 97% số công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trở lại làm việc. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội đánh giá, thị trường lao động ở Hà Nội đầu năm rất náo nhiệt, nhiều công ty vẫn có nhu cầu tuyển dụng thêm công nhân. Ngay trong những ngày đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội đã tiếp nhận khoảng 30 hồ sơ các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động. Các công ty có nhu cầu tuyển dụng cũng quan tâm tuyển chọn lao động có tay nghề, kỹ năng để hướng đến việc thích ứng lâu dài với dịch Covid-19. Để đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, ông Thành cho biết: “Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch, tiếp tục duy trì hoạt động các phiên giao dịch việc làm, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi sẽ đề xuất tổ chức những phiên giao dịch việc làm chuyên đề gắn với một số lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng trong thời gian dịch bệnh”. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|