Trao đổi với VietNamNet, bà Lê Thị Bích Dung - Phó Chủ tịch HĐQT trường Liên cấp Newton, chia sẻ: "Là trường có số lượng xe đưa đón học sinh khá lớn, sau sự việc đáng tiếc ở Thái Bình, chúng tôi cũng đã mời đại diện các đoàn xe cũng như các cô phụ trách xe đưa đón họp và yêu cầu thực hiện chuẩn quy trình đưa đón học sinh".

Bà Dung thông tin thêm, đối với việc đưa đón học sinh bằng xe tuyến, trường có những yêu cầu cụ thể để đảm bảo an toàn cho học sinh. Cụ thể, chỉ khi xe dừng hẳn mới mở cửa cho học sinh lên xe, trường hợp học sinh quá nhỏ nhân viên phải bế học sinh lên. Với học sinh lớn hơn, nhân viên hướng dẫn trẻ lên xe.

Nhân viên phải có thao tác đánh dấu những học sinh đã đón được vào danh sách. Trong trường hợp xe đến điểm đón muộn quá 2 phút, nhân viên phải thông báo cho phụ huynh...

Messenger_creation_cd984dd9 1e96 4c0b a1dd b504e382a30f.jpeg

Trường Mầm non Hồng Nhung 2 (Thái Bình) - nơi xảy ra vụ việc trẻ tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón.

Cũng theo bà Dung, khi học sinh xuống xe, trường yêu cầu nhân viên phải có thao tác kiểm tra học sinh đã xuống hết chưa hay có học sinh còn ngủ, học sinh có quên đồ dùng trên xe...

Sau đó, nhân viên mới cho học sinh xếp hàng, qua cổng bàn giao học sinh cho cô giáo trực và ký tên vào sổ. Khi trả học sinh từ trường về nhà, nhân viên xe và cô giáo cũng phải nhận và ký bàn giao số học sinh.

Trường cũng có app để người quản lý theo dõi hành trình nhân viên đưa đón học sinh. “Sau khi học sinh xuống hết, nhân viên phải báo cáo đã hoàn thành công việc bằng cách chụp ảnh từ dưới xe, quay video từng hàng ghế trên xe và gửi vào app. Việc làm này để đảm bảo rằng không có học sinh nào bị bỏ quên trên xe, cũng là cách giúp nhân viên xe có trách nhiệm hơn với công việc”, bà Dung cho hay.

Còn ông Văn Quỳnh - trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, cho biết: “Việc đưa đón học sinh bằng xe tuyến là nhiệm vụ quan trọng nên chúng tôi nhắc nhở các bác tài cũng như nhân viên đưa đón liên tục. Mỗi tháng, sau khi có báo cáo từ hệ thống nhà trường đều tổ chức họp để rút kinh nghiệm. Đặc biệt, nhân viên xe phải nắm chắc được số lượng học sinh, tên, lớp...”.

Ông Quỳnh cũng cho biết thêm, với đặc thù học sinh khá lớn nên các em có thể điểm danh bằng thẻ ngay khi vừa lên xe tuyến. Khi quẹt thẻ thành công, máy đọc thẻ sẽ phát ra âm thanh xác nhận, phụ huynh cũng sẽ nhận được tin nhắn con đã lên xe thành công. Khi kết thúc mỗi chuyến xe, tài xế sẽ kiểm tra toàn bộ xe và phải có thao tác xác nhận học sinh đã xuống hết.

Ngoài ra, khi học sinh xuống xe thành công và vào trường, phụ huynh cũng nhận được thông báo bằng tin nhắn và lúc này hệ thống mới cho phép tài xế “hoàn thành chuyến”.

Bằng những thao tác trên, phụ huynh sẽ nắm rõ được con mấy giờ lên và xuống xe, vào trường thời gian nào. Với những học sinh vắng mặt, tới 7h15 mỗi sáng phụ huynh sẽ được hệ thống thông báo con chưa có mặt ở trường.

"Sau khi kiểm soát bằng hệ thống, tổ giám thị của trường cũng sẽ đi điểm danh từng lớp (điểm danh tay). Sở dĩ có thao tác này là vì nhà trường muốn phụ huynh được tiếp nhận những thông tin chính xác nhất, quản lý học sinh đi xe tuyến bằng hệ thống nhưng cũng cần có cả yếu tố con người để quy trình chặt chẽ không có kẽ hở và không để sự cố xảy ra”, ông Quỳnh chia sẻ.

Từng chấm dứt hợp đồng với phụ trách xe vì sai quy trình

Ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng trường THCS&THPT M.V. Lômônôxốp, nhận định, quy trình và mô tả công việc cho cán bộ đưa đón học sinh, giáo viên chủ nhiệm càng chặt chẽ, người làm sẽ dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và hạn chế được những sai sót đáng tiếc. 

"Quy trình đưa đón học sinh của trường được tập huấn lại vào đầu năm học và tập huấn cho những cán bộ vào làm giữa chừng (những trường hợp này hay xảy ra sai sót), có bài thu hoạch và rút kinh nghiệm.  Mỗi khâu trong đưa đón học sinh cũng phải được thông báo đến phụ huynh để cùng phối hợp thực hiện”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, trường thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình đưa đón 1.500 học sinh, trong đó, họp và góp ý ngay với những sơ suất nhỏ và có mức phạt theo quy định.

Nhà trường sẵn sàng chấm dứt hợp đồng với những người vi phạm lỗi nặng, nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh hoặc tái phạm các lỗi nhỏ. 

Năm học 2023-2024, trường đã chấm dứt hợp đồng với 2 cô phụ trách xe vì không thực hiện 2 bước trong quy trình: Xe dừng ở cổng trường phải đứng ở cửa đếm số học sinh xuống xe trùng với số học sinh lên xe; Sau khi học sinh xuống hết, phải xuống cuối xe chụp ảnh toàn bộ xe từ dưới lên và gửi vào app báo cáo. 

Trong đó, một cô vì lý do sức khỏe (bị đau bụng) nên muốn nhanh chóng vào trường để vào nhà vệ sinh, bỏ qua 2 bước trên. Nhà trường buộc phải chấm dứt hợp đồng để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh.

Theo đại diện phòng giáo dục quận Nam Từ Liêm, hiện quận có 57 trường tư thục và đa số các trường đều có xe đưa đón học sinh. Sau sự việc đáng tiếc tại Thái Bình, phòng cũng nhắc nhở các cơ sở giáo dục trong triển khai quy trình an toàn khi đưa đón học sinh.

"Điểm mấu chốt là kỹ năng kiểm soát học sinh trong công tác quản lý, nếu học sinh không tới lớp, giáo viên phải có khâu tương tác với phụ huynh để nắm được vì sao con không đi học... Chúng ta càng làm chặt chẽ càng hạn chế tối đa những sự việc đáng tiếc", đại diện này cho biết.

Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, tại Thái Bình đã xảy ra vụ bỏ quên trẻ trên xe gây hậu quả nghiêm trọng. Sự việc xảy ra vào khoảng 6h20 ngày 29/5, lái xe N.V.L và cô giáo P.Q.A. có nhiệm vụ đón trẻ mầm non từ nhà đến Trường Mầm non Hồng Nhung 2. Bé T.G.H. (SN 2019, trú tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) được đón lên xe đi cùng các bạn.

Đến 17h cùng ngày, người thân của bé H. đến đón, không thấy cháu nên đã báo cho nhà trường. Mọi người tổ chức tìm kiếm, phát hiện H. vẫn ở trên xe đưa đón, đỗ bên ngoài. Do không tìm được chìa khóa, những người có mặt đã phá cửa xe để đưa bé tới bệnh viện. Tuy nhiên, nạn nhân được cơ quan y tế xác định đã tử vong.

Trong ngày 29/5, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vô ý làm chết người”. Vụ án đang tiếp tục được điều tra, xử lý.