Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự thảo có cấu trúc gồm 10 chương, 86 điều, bao gồm quy định chung; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp; đăng ký tên doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử; hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; cung cấp, kết nối và chia sẻ thông tin; liên thông trong đăng ký doanh nghiệp; điều khoản thi hành...
|
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có cấu trúc gồm 10 chương, 86 điều |
Mục tiêu xây dựng Nghị định nhằm hướng dẫn, quy định chi tiết, đầy đủ các nội dung được giao tại Luật Doanh nghiệp; thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06; Giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP xuất phát từ một số yêu cầu thực tiễn, yêu cầu của việc triển khai một số văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định số 01/2021/NĐ-CP được ban hành từ năm 2021 trên cơ sở triển khai Luật Doanh nghiệp. Qua thực tiễn triển khai cho thấy một số thay đổi như một số Luật mới được ban hành trong đó yêu cầu một số nội dung trong Nghị định số 01 phải thay đổi, ví dụ như liên quan đến Luật Tín dụng có quy định khác về đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng; Luật Hợp tác xã quy định về đăng ký hộ kinh doanh.
Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định được xây dựng theo nguyên tắc bám sát nội dung của Luật Doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; tôn trọng quyền tự chủ của doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và các thành viên, cổ đông.