Tại xưởng làm gốm nhà ông Phạm Việt Khoa ở làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), các nghệ nhân đang tất bật chuẩn bị, hoàn thiện những sản phẩm để kịp phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng dịp Tết Giáp Thìn. |
Ông Khoa cho biết: "Sản phẩm chính của xưởng năm nay là ấn rồng được lấy cảm hứng từ chiếc ấn 'Hoàng đế chi bảo' và được tạo hình dựa theo cảm hứng từ rồng thời Lê ở Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long". |
Từng chi tiết nhỏ được nặn bằng tay và gắn kết với nhau bằng "sự khéo léo" của người làm gốm. |
Sau khi hoàn thiện khâu tạo hình bằng gốm cơ bản và được tráng men, "phôi" sẽ được đem đi nung trong khoảng 5 ngày trước khi được đem đi vẽ vàng. |
Công đoạn vẽ vàng đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người thợ. |
Người thợ sẽ dùng dung dịch vẽ vàng 24K để tạo nên những đường nét nổi bật cho sản phẩm. |
Tiếp đó, chiếc ấn sẽ được nung lần 2 ở nhiệt độ phù hợp trong khoảng 6-8 tiếng để tạo nên lớp mạ vàng sang trọng. |
Công đoạn hoàn thiện đoạn vẽ vàng sẽ mất khoảng 2 tiếng rưỡi. Trung bình mỗi thợ thủ công một ngày có thể hoàn thiện được từ 5-6 sản phẩm. |
Ấn rồng khi hoàn thiện phải đạt được độ bóng, sáng đều của vàng, không có vết cháy, các nét vẽ phải liền mạch, không ngắt quãng. |
Trên 3 mặt của sản phẩm được tạo hình 3 chữ nổi An - Thuận - Phát, mặt còn lại được khắc cảnh cá chép hóa rồng nhằm thể hiện sự lột xác, là dấu ấn cho một khởi đầu mới. |