Chồng chị Vũ Huệ Phương, ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội mắc Covid-19 khoảng 1 tuần nay. Vì có con nhỏ nên gia đình chị cũng rất hoang mang. Khi có kết quả xét nghiệm PCR dương tính, chồng chị Phương đã tự cách ly ở một phòng riêng.
“Hàng ngày tôi nấu cơm để ở bên ngoài cửa phòng, chồng tôi tự lấy và thường xuyên xịt khuẩn trong phòng và báo y tế phường”- chị Phương nói.
Chị Phương cũng chia sẻ, sau khi có người thân mắc Covid-19, gia đình cũng lo lắng, sau đó cũng tự tìm hiểu thông tin trên mạng, hỏi bạn bè người thân nên làm gì. Gia đình chị cũng chuẩn bị sẵn một số thuốc dự phòng, mua kit xét nghiệm để cả nhà cùng test hàng ngày.
Kể từ khi cả gia đình trở thành F0 điều trị tại nhà, ngày nào anh Nguyễn Thanh Hóa, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) cũng đun nồi nước lá cho thơm nhà, cảm giác dễ chịu, ấm áp. Hàng ngày anh Hóa đều đặn cập nhật sức khỏe của cả nhà trên ứng dụng quản lý F0 do Trạm y tế phường quản lý. Khi được nhân viên y tế hướng dẫn, anh và gia đình cũng bớt lo lắng và chủ động xử lý tình huống khi con ho, sốt với các loại thuốc thông thường.
“Đến ngày thứ 5, mọi người trong gia đình tôi đã có kết quả âm tính. Tôi nghĩ không cần phải chuẩn bị hay mua các loại thuốc đặc trị mà trên mạng hay quảng cáo, chỉ cần dùng thuốc thông thường do các bác sĩ kê đơn thì nhanh chóng khỏi bệnh”- anh Nguyễn Văn Hóa chia sẻ.
BS Trần Thị Hoa, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, với các F0 điều trị tại nhà, nếu bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt, nghẹt mũi, nhân viên y tế của trạm sẽ hướng dẫn theo phác đồ điều trị thông thường tại nhà. Đồng thời, tư vấn thêm khi người bệnh có dấu hiệu trở nặng như sốt cao liên tục không hạ, khó thở, đau đầu dữ dội thì báo ngay trạm y tế.
Người dân đổ xô tích trữ sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19
Những ngày qua, phần lớn các gia đình có bệnh nhân F0 đã đến mua các loại thuốc hỗ trợ điều trị, các bộ kit xét nghiệm kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ SpO2… Nhiều người dù chưa nhiễm bệnh, vẫn tìm mua về để tích trữ, phòng sẵn vì lo lắng… dẫn đến tình trạng cháy hàng, giá thành của các sản phẩm này tại một số cơ sở bán buôn và bán lẻ cũng bị thổi lên đột biến.
“Tôi thấy giá cả bộ kit xét nghiệm ngày càng tăng giá, nhất là thời điểm này nhiều hiệu thuốc còn không có để bán. Trước Tết tôi mua giá kit xét nghiệm khoảng 60.000 đồng/que, cao điểm nhất tôi mua là 78.000 đồng”- anh Phạm Minh Đức, người dân ở Hà Nội chia sẻ.
Thuốc Molnupiravir là cái tên được tìm kiếm nhiều nhất mỗi khi người dân phát hiện mình đã dương tính với COVID-19, bởi đây là một trong những loại thuốc kháng virus nằm trong danh phục được Bộ Y tế cấp phép lưu hành có điều kiện và là thuốc kê đơn, chỉ dành cho bệnh nhân đã được chẩn đoán dương tính với Covid- 19 có các triệu chứng nặng.
Những ngày qua, loại thuốc này cũng bất ngờ “cháy hàng” do nhu cầu tìm, mua, và sử dụng quá lớn của người dân. Thậm chí tìm đến những nguồn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường…
ThS Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, việc người dân tự đi tìm kiếm các nguồn thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường không chỉ gây ra tình trạng xáo trộn trên thị trường, thậm chí với một số thuốc còn gây ra sự khan hiếm giả tạo. Đặc biệt, những thuốc điều trị virus đều có độc tính nhất định, nếu không có sự kê đơn, chỉ định bác sĩ thì không những không khỏi bệnh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Để đảm bảo đủ nguồn cung thuốc điều trị Covid-19 nói chung, thuốc Molnupiravir nói riêng, trong thời gian 6 tháng cuối năm 2021, Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Tư pháp trình Quốc hội, Chính phủ ban hành 03 Nghị quyết và Bộ Y tế ban hành 02 Thông tư về cơ chế cấp phép thuốc điều trị Covid-19 tạo hành lang pháp lý cấp phép thuốc điều trị Covid-19 theo hướng đơn giản hồ sơ, rút ngắn thời gian cấp phép phù hợp thông lệ quốc tế và vừa kiểm soát chất lượng, an toàn hiệu quả của thuốc.
Trên cơ sở hành lang pháp lý trên, Cục Quản lý Dược - đầu mối phối hợp với các đơn vị thẩm định và chuyên gia không kể ngày đêm ưu tiên thẩm định các hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc điều trị Covid-19. Kết quả, Bộ Y tế đã cấp phép cho 3 đơn vị xuất thuốc Molnupiravir tại Việt Nam, trung bình sản xuất 11 triệu liệu/tháng đủ để cung ứng việc điều trị cho bệnh nhân F0 trên cả nước. Ba công ty sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước phối hợp với các cơ sở điều trị thực hiện đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc kháng virus trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định tại điều 5 Thông tư số 32/2018/TT-BYT. Ngoài 3 đơn vị trên, Bộ Y tế đang thẩm định để cấp giấy đăng ký lưu hành gần 30 sở sản xuất thuốc molnupiravir phục vụ nhu cầu điều trị thuốc của nhân dân.
Ngoài ra, Cục Quản lý Dược đã ban hành 5 văn bản đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo, giám sát các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn không được lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để đầu cơ găm hàng và đẩy giá thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cao, đồng thời chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược chủ động lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc điều trị Covid-19 nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng và điều bệnh của nhân dân.
“Thuốc Molnupiravir được sử dụng cho những người trưởng thành và mắc Covid-19 và phải có ít nhất một trong các biểu hiện, triệu chứng tăng nặng của bệnh dẫn đến nguy cơ phải nhập viện. Chúng ta không được uống thuốc này dự phòng khi chưa mắc bệnh và chỉ dùng không quá 5 ngày và sử dụng theo đúng liều. Thuốc này có ảnh hưởng đến sự phát triển xương của trẻ em và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nên phụ nữ có thai không được sử dụng. Đặc biệt, với nam giới hiện những nghiên cứu vẫn chưa đầy đủ nhưng cũng có ảnh hưởng tới tinh trùng nên cũng cần phải lưu ý trong kế hoạch sinh sản”- ThS Nguyễn Thành Lâm cho biết.
Được biết, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất cơ chế quản lý, cung ứng để phân phối, sử dụng thuốc chứa Molnupiravir theo hướng vừa mua sắm thuốc điều trị Covid-19 để cấp phát miễn phí cho người dân vừa phân phối thuốc rộng rãi trên thị trường để người dân tự chi trả trên cơ sở tự nguyện.
Để đảm bảo người dân sử dụng thuốc an toàn hiệu quả, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có văn bản đề nghị các Sở Y tế, cơ quan quản lý thị trường, Công an, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia để tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị Covid-19, nhất là các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được phép lưu hành, tăng giá thuốc bất hợp lý; Đồng thời Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn điều trị F0 tại nhà.
“Chúng tôi khuyên người dân nên mua thuốc có trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế và mua ở các hiệu thuốc đã được cấp phép”- PGS.TS Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế khuyến cáo.
Bộ Y tế lưu ý người mắc COVID-19 nên: Nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); Tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; Không bỏ bữa; Tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… Suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái./.