Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) |
Thông tin trên được đưa ra tại lễ công bố thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam (đặt tại Bệnh viện Việt Đức) ngày 18/1. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nhấn mạnh, trình độ ghép tạng của Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, hiện tỉ lệ người đăng kí hiến tạng sau chết não thấp, trong khi đó, danh sách chờ ghép tạng tại các bệnh viện ngày càng tăng. Các chuyên gia cho rằng, việc thay đổi nhận thức của người dân về hiến tặng mô, tạng không dễ...
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Chúng ta đang sửa Luật Hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến xác theo hướng sửa đổi một số nội dung thuận lợi hơn cho vận động hiến tạng. Ngoài ra, hiện nay vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng kí hiến tạng chưa có sự đồng bộ. Do đó, nên có sự phối hợp giữa đơn vị hồi sức và một đơn vị độc lập, có thể phòng công tác xã hội, trong vận động hiến tạng đối với người nhà bệnh nhân. Bác sĩ sẽ giải thích cụ thể về tình trạng của người bệnh, bộ phận độc lập còn lại sẽ đảm nhận việc tuyên truyền, vận động về hiến tạng sau khi người bệnh chết não. Về vấn đề hỗ trợ gia đình, chúng ta cần có cơ chế tài chính cho gia đình người hiến”.
TS. Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Chi hội trưởng Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam của bệnh viện cho hay trên 70% số tạng ghép từ người cho chết não được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức. Không chỉ ghép, bệnh viện còn chia sẻ mô, tạng của người hiến cho bệnh viện khác. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân giai đoạn cuối được cứu chữa. TS Hùng nói: “Với việc thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đặt tại bệnh viện, chúng tôi sẽ triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc vận động, hiến mô tạng để trong năm 2024 số người hiến tạng sẽ nhiều hơn. Đích cuối cùng là càng nhiều bệnh nhân hơn nữa được cứu sống”.
Đến nay, sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện gần 8.000 ca ghép tạng, tuy nhiên chỉ có gần 6% số ca được ghép từ nguồn tạng là người cho chết não (tương đương gần 500 ca).
Theo TS Hùng, Luật hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác hiện còn một số bất cập. Quy định bắt buộc một người phải đăng kí hiến tạng thì khi không may chết não mới hiến tạng được nhằm đảm bảo tính pháp lí. “Tuy nhiên, thực tế, trước đó họ đăng kí nhưng sau đó người nhà không đồng ý thì ta cũng không thể lấy tạng được. Vì thế, quy định bắt buộc phải đăng kí hiến tạng không có nhiều giá trị, vô hình trung lại cản trở công tác hiến mô tạng”, ông Hùng nói.
Theo thống kê, trong một năm Bệnh viện Việt Đức có khoảng 300 người tử vong do chấn thương sọ não, đây là con số vô cùng lớn. Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Dương Đức Hùng thừa nhận “hiến tạng là vấn đề nhạy cảm, chỉ được phép làm khi về khoa học chúng ta đã làm tất cả mọi cách mà không cứu được bệnh nhân thì mới được phép vận động. Ranh giới đó được quy định hết sức rõ ràng”.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho hay, với dân số khoảng 100 triệu dân, tại Việt Nam, mỗi năm chỉ có khoảng 10 người chết não hiến tạng, thuộc hàng thấp nhất thế giới. Con số này ở Tây Ban Nha là 50 (cao nhất thế giới), ở Mỹ là 49.