Sợ sai nên không dám làm?18/06/2022 - 20:01:00 Cho tới thời điểm này, mặc dù Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cử nhiều đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đốc thúc các địa phương triển khai gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08 của Thủ tướng, nhưng vẫn rất ít người lao động được nhận tiền. Trong khi chính sách hỗ trợ thuê nhà trọ trị giá 6.600 tỷ đồng của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 28/3. Vì sao vậy?
Theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động đủ điều kiện sẽ nhận được hỗ trợ ở các mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng. Một con số từ cơ quan chức năng cho biết, đến nay mới có khoảng 6.300 lao động trong tổng số 3,4 triệu người dự kiến thụ hưởng nhận được tiền. Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) cho biết, đến ngày 3/6, thì cũng chỉ mới có 19 tỉnh, thành phố đã nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của doanh nghiệp. Chẳng lẽ người lao động không cần tiền hỗ trợ để thuê nhà trong khi đời sống rất khó khăn sau dịch Covid-19? Không phải như vậy! Mà ngược lại, người lao động chờ số tiền ấy “như nắng hạn đợi mưa rào”. Theo ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), có khoảng 30% người lao động vì thu nhập quá thấp nên luôn trong tình trạng khó khăn, túng thiếu. Nhiều công nhân lao động còn phải cắm sổ bảo hiểm xã hội, chứng minh nhân dân để vay chỉ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng trả tiền thuê nhà, mua gạo. Ông Tiến cũng cho biết, một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây cho thấy 12% người lao động phải thường xuyên đi vay tiền để chi tiêu; 35,5% thỉnh thoảng đi vay (3 - 4 tháng/1 lần); 34,8% người lao động phải đi vay tiền 1 năm từ 1- 2 lần. Như vậy, không lý gì người lao động “thờ ơ” với số tiền được hỗ trợ để thuê nhà, trái lại, họ rất mong đợi. Sự chậm trễ này chắc chắn không đến từ người lao động mà phải là đến từ cơ quan chức năng. Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, tiến độ triển khai chính sách chậm là do một số địa phương mới ban hành kế hoạch triển khai (cuối tháng 5); việc tuyên truyền, giải thích cho người lao động và doanh nghiệp còn hạn chế; cán bộ cấp huyện một số nơi còn lúng túng, e ngại trong hướng dẫn triển khai. Một số địa phương lúng túng khi bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ, doanh nghiệp yêu cầu thêm giấy đăng ký tạm trú, hợp đồng thuê nhà, số công nhân đông nên có tâm lý chờ 2 - 3 tháng mới làm một thể… Cũng cần nhắc lại, ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện Quyết định số 08 ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022. Nay hạn chót đã đến gần, nhưng tiến độ vẫn rất chậm, cũng có nghĩa là người lao động rất có thể sẽ phải tiếp tục đợi chờ. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều người lao động cần được hỗ trợ tiền thuê nhà nhất (gần 1,2 triệu người, kinh phí dự kiến gần 2.000 tỷ đồng), nhưng tới nay hầu như vẫn “án binh bất động”. Về việc này, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết đã có tờ trình cho UBND thành phố về việc thành lập 3 đoàn kiểm tra về mặt tiến độ chi trả, chính xác của hồ sơ chi trả và tính kịp thời chi cho người lao động của các doanh nghiệp. “Về thời gian chi trả theo quy định hướng dẫn của chúng tôi là không quá 2 ngày cho người lao động”. Nói là vậy nhưng thực tế lại không đúng như vậy. Sự chậm trễ này có nhiều nguyên nhân nhưng nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là các cơ quan chức năng sợ sai nên không dám làm. Hỗ trợ thì người lao động được hưởng, sai sót người làm hồ sơ, người ký duyệt chi trả chịu, nên... hãi, nơi nọ nhìn ngó sang nơi kia. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là chính sách của Chính phủ, không làm không được. Cần nhớ rằng với người lao động phải đi thuê nhà, số tiền hỗ trợ dù không quá lớn nhưng rất có ý nghĩa nếu được trao đúng lúc. Nếu sự hỗ trợ đến quá chậm thì sẽ vơi hụt mục tiêu tốt đẹp của một chính sách hướng tới người lao động. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|