Ưu tiên chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp hưởng lợi
Tại hội thảo, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, chuyển đổi số trong công tác đảm bảo trật tự ATGT là cả một quá trình thay đổi công nghệ, thủ tục quy trình và khái niệm trong quản lý tổ chức xã hội.
Thông tin thêm, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) cho hay, ưu tiên chuyển đổi số sớm giúp người dân và doanh nghiệp hưởng lợi. Cụ thể, Bộ GTVT đã ban hành chương trình chuyển đổi số tầm nhìn 2030 hướng đến đổi mới sáng tạo ứng dụng dữ liệu công nghệ số để phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông.
Nhằm hiện thực hóa, đến nay, Bộ GTVT đã tập trung số hóa dữ liệu thống kê hiện trạng kết cấu hạ tầng, bảo trì hạ tầng và ứng dụng công nghệ dự đoán bảo trì kết cấu hạ tầng nhằm đảm bảo an toàn giao thông như hoàn thành quản lý gần 25.000km mặt đường bộ, gần 7.354 cầu đường bộ và đang số hóa các lĩnh vực khác như đường sắt và đường thủy trong năm nay. Hàng không và hàng hải cuối năm 2023 và đầu 2024 sẽ hoàn thành.
Đánh giá thông tin quản lý dữ liệu phương tiện rời rạc từ đăng kiểm, đăng ký xe, xử phạt, theo ông Tùng, quản lý mỗi một phương tiện cần định danh lại và ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý phương tiện. Dẫn chứng, hiện, Bộ GTVT đã hoàn thành số hóa 1.750 phương tiện hàng hải; 1,6 triệu phương tiện đường bộ; 264 máy bay; 235.000 phương tiện thủy nội địa… số hóa 11.000 tuyến vận tải cố định có đầy đủ thông tin về loại phương tiện, đơn vị, người điều khiển xe.
Bộ GTVT chia sẻ dữ liệu cho Bộ Công an về đăng ký xe trực tuyến, thu thuế điện tử, thông quan hàng hóa…Với người điều khiển phương tiện đang số hóa quản lý từ khâu đào tạo sát hạch lái xe, cấp đổi bằng lái xe. Hiện, Bộ GTVT đang kết nối với cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe lái xe (Bộ Y tế), xử phạt vi phạm (Bộ Công an) nên thời gian tới, việc cấp đổi lái xe rất thuận tiện, bởi theo thống kê mỗi năm có khoảng 2 triệu bằng lái xe cấp, đổi.
Cảnh sát giao thông đưa 37 dịch vụ lên Cổng dịch vụ công Quốc gia
Chia sẻ tại hội thảo, Trung tá Vương Ngọc Bắc - Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý xã hội của Nhà nước, trong đó có công tác quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng Công an.
Được sự quan tâm của Đảng uỷ Công an TW, lãnh đạo Bộ Công an trong thời gian qua, Cục Cảnh sát giao thông đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong các mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông, đặc biệt là việc các thông tin đã được số hoá dưới dạng điện tử để phục vụ công tác chia sẻ, thống kê, báo cáo, phân tích đối với các vụ TNGT.
Để thực hiện triển khai các dịch vụ công, Cục Cảnh sát giao thông đã thử nghiệm giải pháp Data Diode để trao đổi thông tin, dữ liệu giữa C08 với Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Về phát triển Chính phủ số, Trung tá Vương Ngọc Bắc thông tin, ngành Công an chuyển đổi số cơ bản đến các lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông như đăng ký xe (có cơ sở dữ liệu từ năm 1998 và triển khai xuống hơn 7.000 xã đồng thời kết nối với đăng kiểm, hải quan để đối chiếu), xử lý vi phạm (qua hình ảnh) và tai nạn giao thông đã triển khai tới Công an cấp huyện.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đã đưa 37 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đến nay tỷ lệ thực hiện khoảng 60%. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số bởi đây là tài nguyên nên ngay từ Công an cấp xã, huyện đã hình thành kho dữ liệu gửi về bộ để sẵn sàng chia sẻ với các cơ quan khác.
Đề cập đến thống kê tai nạn giao thông, ông Hà Thái Sơn, chuyên viên Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại rất rõ chi tiết nạn nhân tai nạn giao thông như người lái xe, hành khách, người đi trên xe, người lên xuống xe…
Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ nước ta chỉ quy định có người điều khiển xe, người sử dụng xe khi có tai nạn giao thông xảy ra. Vì thế, ông Sơn đề xuất Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an xây dựng hệ thống thống kê nguyên nhân tai nạn giao thông dựa vào bệnh viện theo phân loại của WHO trong đó áp dụng hệ thống phân loại phương tiện theo Luật Giao thông đường bộ có chuyển đổi sang bảng mã chi tiết; thống kê cụ thể, nạn nhân, phương tiện của nạn nhân và phương tiện va chạm, tình trạng liên quan đến rượu, bia; tiến hành nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật do tai nạn giao thông.
Ngoài việc liên thông giấy khám sức khỏe người cấp đổi giấy phép lái xe, dự kiến quý I/2023 sẽ triển khai toàn quốc, ông Sơn thông tin thêm, Bộ Y tế sẽ đào tạo nhân viên bệnh viện về mã hóa thống kê nguyên nhân tai nạn giao thông và gắn mã hóa đầy đủ thông tin tai nạn giao thông với thanh toán bảo hiểm y tế.
Trên cơ sở này, đại diện các cơ quan tham gia hội thảo đề xuất, kiến nghị Nhà nước cần hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn giao thông trong đó cụ thể đưa ra lộ trình, trách nhiệm của các đơn vị tham gia; cơ quan Nhà nước mở dữ liệu để doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực an toàn giao thông.