Sống ảo để lại hậu quả thật29/03/2022 - 16:35:00 Trong thời đại 4.0, việc sống ảo trên mạng xã hội đang trở thành xu hướng của nhiều người, nhất là giới trẻ. Song, sử dụng mạng xã hội sao cho đúng cách, vừa tạo được niềm vui cho bản thân, nhưng lại có chừng mực không vi phạm pháp luật đang là vấn đề nan giải.
Tự do sống ảo? Mới đây, diễn viên Quách Ngọc Tuyên đã bị Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP Hồ Chí Minh xử phạt 7,5 triệu đồng vì kêu gọi từ thiện sai sự thật trên mạng xã hội. Cụ thể, nam diễn viên này đã kêu gọi người hâm mộ hỗ trợ 1 bệnh nhi bị bệnh nặng, cần phẫu thuật gấp trên trang cá nhân. Nhiều người hâm mộ đã gửi tiền vào tài khoản mà nam diễn viên chia sẻ. Tổng số tiền mà các mạnh thường quân đóng góp từ thiện theo lời kêu gọi của Quách Ngọc Tuyên lên tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, khi một số người đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ để hỏi thăm tình hình sức khỏe của cháu bé bị bệnh nặng mà Quách Ngọc Tuyên kêu gọi hỗ trợ thì phía bệnh viện cho biết không có trường hợp nào như thế được điều trị ở đây. Sau đó, nam diễn viên này đã phải đăng lời xin lỗi trên trang cá nhân vì đã chia sẻ một cách cảm tính, không có kiểm chứng khiến những người hâm mộ của anh bị một phen “giúp đỡ”... hụt. Với sai sót trên, Quách Ngọc Tuyên đã bị Sở TTTT TPHCM mời làm việc và xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin có nội dung không đúng sự thật trên mạng xã hội về trường hợp kêu gọi từ thiện. Qua câu chuyện của nam diễn viên này, dư luận bắt đầu hoài nghi về tính trung thực của những lời kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội, ngay cả khi đó là những người nổi tiếng, có uy tín. Đây là tiền lệ vô cùng nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội, làm mất niềm tin vào những điều lương thiện, tốt đẹp. Hành vi của Quách Ngọc Tuyên dù gây ảnh hưởng tiêu cực tới dư luận xã hội nhưng vẫn chưa nguy hiểm bằng việc một số người sử dụng mạng xã hội làm công cụ để phục vụ lợi ích cá nhân, trục lợi. Hiện, có không ít người thường xuyên lên mạng xã hội livetream với những nội dung trái với thuần phong mỹ tục, thậm chí không e dè phát ngôn, văng tục trên mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chắc ai cũng biết, mới đây bà Nguyễn Phương Hằng đã bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Bà Hằng không chỉ được biết đến với vai trò một “đại gia” sở hữu khối tài sản khổng lồ, mà còn rất nổi tiếng vì hàng trăm cuộc livetream trên mạng xã hội để “bóc phốt” những người nổi tiếng, khi là nghệ sĩ, lúc lại là nhà báo... Bản thân bà Hằng và rất nhiều người khác vẫn tưởng rằng không ai dám đụng đến bà này cho đến khi cơ quan tố tụng tống đạt các quyết định khởi tố và bắt tạm giam. Tự do trong khuôn khổ Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Luật sư Hà Huy Phong (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - Trưởng Ban pháp chế Hội Kinh tế môi trường Việt Nam khẳng định: Tự do ngôn luận là quyền cơ bản của công dân Việt Nam đã được hiến định tại Điều 25 Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, tự do không phải là công dân có thể làm bất kỳ điều gì mà mình thích mà phải thực hiện theo các quy định của pháp luật. Nói cách khác, tự do phải trong khuôn khổ mà pháp luật đã quy định để đảm bảo không được xâm hại tới lợi ích của cộng đồng, của các tổ chức và cá nhân khác trong xã hội. Điều đó là giới hạn chung cho cả trong thực tế xã hội thực hay “cuộc sống ảo” trên mạng xã hội, đòi hỏi mọi công dân phải chấp hành một cách nghiêm túc. Vì thế, theo ông Phong, sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết để đảm bảo các hành vi trên mạng xã hội không đi trái với các quy tắc ứng xử của cộng đồng, không xâm hại các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ việc cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích xấu như: Tuyên truyền, kích động bạo lực, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc... Đặc biệt, pháp luật cấm mọi hành vi đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc cố tình thực hiện các hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tất cả những văn bản quy phạm pháp luật là để điều chỉnh hành vi ứng xử của tổ chức, cá nhân trên nền tảng mạng xã hội, trong việc sử dụng các công cụ truyền thông. Trong một xã hội văn minh và thượng tôn pháp luật, các hành vi vi phạm như vậy cần phải bị trừng trị một cách nghiêm khắc và nếu cần thiết, người cố tình vi phạm cần phải bị cách ly khỏi xã hội. Mục tiêu tối thượng của pháp luật là bảo vệ cộng đồng, bảo vệ những giá trị và lợi ích chung của tập thể. Bất kỳ lợi ích riêng nào đi trái với lợi ích chung, xâm phạm lợi ích chung và quyền của tổ chức, cá nhân khác đều bị xử lý một cách thích đáng. Mạng xã hội ngày càng trở nên hữu dụng và hiện diện trong mọi ngõ ngách của nhân loại, nó trở thành “xã hội thứ hai” song song với xã hội thực. “Tuy gọi mạng xã hội là đời sống ảo, nhưng nó không hoàn toàn ảo bởi con người trên mạng xã hội rất thực và gây ra những hậu quả thực. Vì thế, mỗi công dân cần có ý thức tuân thủ quy định của pháp luật, hạn chế các hành vi có thể gây ảnh hưởng tới cộng đồng và tới người khác...” - ông Phong nhấn mạnh. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, một cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Cơ quan này đã và đang tham mưu cho Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn hành vi sử dụng mạng xã hội. Các quy định pháp luật sẽ theo hướng tăng cường chế tài mạnh hơn để răn đe, phòng ngừa các hành vi lợi dụng mạng xã hội nói riêng, dịch vụ viễn thông, internet nói chung để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Kiên quyết xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm, lợi dụng mạng xã hội để thực hiện ý đồ xấu, gây hại cho xã hội.
Luật sư Hà Huy Phong (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cùng với sự phổ cập của Internet, mạng xã hội trở thành một nền tảng giao tiếp phổ biến và đi sâu vào đời sống xã hội và mỗi cá nhân. Mạng xã hội làm thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống và trở thành phương tiện để giao tiếp, thực hiện quyền tự do ngôn luận, cũng như nâng cao đời sống tinh thần của mỗi người. Song, bên cạnh những ưu điểm không thể phủ nhận, mạng xã hội cũng trở thành “địa bàn” của nhiều thói hư, tật xấu và hành vi vượt quá giới hạn cho phép. Nhiều cá nhân do vô tình hay cố ý đã có những hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|