Sốt xuất huyết bùng phát kỷ lục09/06/2022 - 16:20:00 Châu Mỹ và châu Á là 2 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng sốt xuất huyết năm 2022, dẫn đầu về số ca là Brazil, Peru, Việt Nam, Indonesia và Colombia
"Các ca bệnh chắc chắn đang tăng nhanh hơn. Đây là một giai đoạn tối khẩn cấp mà chúng tôi phải giải quyết" - đài CNN trích lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Singapore Desmond Tan trong bài báo ngày 7-6 nói về tình hình sốt xuất huyết (SXH) tại đảo quốc sư tử. Chỉ có 5,7 triệu dân nhưng số ca SXH năm 2022 của Singapore đã hơn 11.000, vượt xa con số 5.258 của cả năm 2021. Đó mới chỉ là thống kê trước ngày 1-6, trước khi mùa SXH cao điểm thực sự bắt đầu. Châu Mỹ cũng đang bị căn bệnh này bủa vây một cách bất thường. Báo cáo tình hình SXH 5 tháng đầu năm của Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ của WHO (PAHO) ghi nhận 1.238.528 ca, trong đó có 426 người tử vong; cao nhất là Brazil (1.114.758 ca), Peru (45.816 ca), Colombia (21.576 ca), Nicaragua (12.171 ca) và Ecuador (8.449 ca). Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết tại một nghĩa trang ở Lima - Peru. Ảnh: REUTERS Số liệu được công bố bởi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cũng cho thấy châu Á là một điểm nóng khác, tập trung ở khu vực Đông Nam Á. Cao nhất khu vực là Việt Nam với 25.694 ca mắc và 13 ca tử vong - theo báo cáo toàn quốc ngày 8-5. Báo cáo tính đến ngày 31-3 của Indonesia ghi nhận 22.331 trường hợp; Malaysia 13.651 trường hợp, tính đến ngày 7-5. Số ca bệnh ở các nước này và của toàn khu vực vẫn tiếp tục tăng kể từ khi báo cáo đến nay. Theo CNN, các chuyên gia khẳng định SXH bùng phát tồi tệ hơn ở Singapore là do thời tiết khắc nghiệt gần đây. Đó cũng chính là lời cảnh báo trước cho những gì sẽ xảy ra ở phần còn lại của thế giới khi ngày càng có nhiều quốc gia trải qua những đợt nắng nóng kéo dài và mưa giông, đẩy mạnh sự tăng trưởng và lây lan cả virus lẫn vật chủ trung gian là muỗi. Trong một báo cáo về SXH toàn cầu vào tháng 1-2022, WHO lưu ý số ca bệnh đã tăng "30 lần trong vòng 50 năm qua" và cảnh báo dịch đang lây lan và bùng phát ở những khu vực mới. Trước đó, vào năm 2019, thế giới đã trải qua một mùa bệnh SXH kỷ lục với 5,2 triệu ca khắp thế giới. Nhưng với số liệu trước khi mùa dịch bắt đầu, nhiều chuyên gia lo rằng năm nay có nguy cơ lập kỷ lục mới. Nhà nghiên cứu cấp cao Ruklanthi de Alwis từ Trường Y khoa Duke - NUS, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở Singapore, cho rằng thay đổi khí hậu có khả năng làm mọi thứ tồi tệ hơn: "Các nghiên cứu mô hình dự đoán trước đây đã chỉ ra rằng sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu cuối cùng sẽ mở rộng các khu vực địa lý nơi muỗi phát triển mạnh, cũng như độ dài của các mùa lây truyền bệnh SXH". Một nghiên cứu thực hiện bởi Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London (Anh), ĐH Umea (Thụy Điển), Trung tâm Vật lý Lý thuyết quốc tế Abdus Salam (Ý), ĐH Heidelberg (Đức), ĐH Liverpool (Anh), công bố trên The Lancet Planetary Health vào tháng 7-2021, ước tính với tốc độ biến đổi khí hậu ngày nay thì đến năm 2078, sẽ có 8,4 tỉ người đối diện với bệnh sốt rét và SXH trên dân số toàn cầu dự kiến đạt 9,4 tỉ lúc đó. Mùa bệnh SXH ở các khu vực đất thấp nhiệt đới thuộc Đông Nam Á, châu Phi cận Sahara và tiểu lục địa Ấn Độ sẽ dài hơn hiện nay đến 4 tháng. Nhiều quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, đang đối phó với làn sóng tay chân miệng - căn bệnh chủ yếu tấn công trẻ dưới 5 tuổi. Malaysia là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 82.846 ca từ đầu năm đến nay, cao gấp 32 lần so với cùng kỳ năm ngoài và 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch Covid-19) - theo báo cáo ngày 4-6 của Bộ Y tế Malaysia. Theo NLĐ
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|