Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu khí Ceylon (CPC) do nhà nước điều hành đã bị đóng cửa vào tháng 3 sau cuộc khủng hoảng ngoại hối của Sri Lanka, khiến Chính phủ không thể thanh toán tiền nhập khẩu dầu thô.
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Năng lượng Kanchana Wijesekera cho biết lô hàng dầu thô của Nga đã phải đợi ở ngoài khơi cảng Colombo trong hơn 1 tháng vì nước này không thể huy động 75 triệu USD để thanh toán. Colombo cũng đang đàm phán với Moskva để thu xếp nguồn cung cấp trực tiếp dầu thô, than, dầu diesel và xăng dầu, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây nhằm vào các ngân hàng Nga.
Sri Lanka đang đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thiếu thốn thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men trong khi lạm phát cao kỷ lục và không đủ điện sử dụng. Cuộc sống người dân khó khăn dẫn tới những bất ổn chính trị và xã hội leo thang. Quốc gia Nam Á này đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về các gói cứu trợ và cần đàm phán tái cơ cấu nợ với các chủ nợ. Trước đó, chính phủ nước này cho biết cần 3 đến 4 tỷ USD để thoát khỏi khủng hoảng hiện tại.
Hôm 15/5, tân Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã tổ chức các cuộc thảo luận với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhằm tìm nguồn hỗ trợ để khắc phục các vấn đề trong chuỗi cung ứng dược phẩm, thực phẩm và phân bón.