Sự chuyển mình của "thành phố không ngủ" New York (Mỹ) trong 110 năm
04/04/2021 - 08:00:00
New York là thành phố đông dân nhất nước Mỹ và là trung tâm tài chính, văn hóa lớn nhất của quốc gia này. Từ một thị trấn nhỏ tại Manhattan, New York đã trở thành "thành phố không ngủ" nổi tiếng thế giới. Dưới đây là những bức ảnh từ năm 1889-1999 cho thấy sự thay đổi đáng kinh ngạc của New York.
Bức ảnh chụp vào năm 1889. Nơi ở của luật sư Elliot Fitch Shepard (tòa nhà gần nhất) và vợ ông, Margaret Vanderbilt Shepard, con gái của William H. Vanderbilt, tại số 2 West 52nd Street. Ngôi nhà được trang trí công phu của anh rể Shepard, William K. Vanderbilt, nằm bên cạnh. Phía xa là Nhà thờ St. Thomas Episcopal và Nhà thờ Trưởng lão trên Đại lộ số 5.
Bức ảnh chụp vào năm 1899. Hai người phụ nữ đi dạo bên cạnh một hàng xe ngựa gần Quảng trường Madison.
Một người phụ nữ nhìn ra Tượng Nữ thần Tự do từ boong của một chiếc phà vào đầu những năm 1900. Bức tượng do Pháp làm và trao tặng cho Mỹ nhằm vinh danh 100 năm độc lập của Mỹ.
Năm 1901. Trẻ em chơi trượt tuyết ở Công viên Trung tâm (Central Park). Thiết kế dài và hẹp của công viên là kết quả của cuộc thi vào năm 1858 với chiến thắng dành cho kiến trúc sư cảnh quan sinh ra ở Connecticut Frederick Law Olmsted và kiến trúc sư người Mỹ gốc Anh Calvert Vaux.
Năm 1911. Hình ảnh Quảng trường Thời Đại trong ánh đèn neon, chụp cách đây hơn một thế kỷ.
Năm 1915. Một nhóm phụ nữ dẫn đầu Phái đoàn Manhattan trong cuộc diễu hành của Đảng Bầu cử cho nữ giới, một tổ chức chính trị có trụ sở tại thành phố New York.
Năm 1921. Phó Ủy viên Cảnh sát John A. Leach (phải) chứng kiến 2 người đàn ông đổ rượu xuống ống cống, sau một cuộc truy quét thực hiện lệnh cấm sản xuất và bán rượu. Quốc hội Mỹ đã thông qua Tu chính án thứ 18 vào năm 1920, cấm sản xuất và bán rượu, mở ra thời kỳ 13 năm cấm rượu. Điều này kết thúc với việc thông qua Tu chính án thứ 21 vào năm 1933, bãi bỏ tu chính án thứ 18.
Năm 1923. Các cô gái trẻ nhảy điệu Charleston ở Harlem, một khu dân cư ở thành phố New York. Mặc dù điệu nhảy đã tồn tại trước những năm 1920, nhưng nó đã trở nên phổ biến sau khi xuất hiện trong chương trình Broadway Running Wild năm 1923.
Năm 1925. Một góc của khu East Side của New York giữa thập niên 20. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy những cửa hàng bán kim cương, lông thú và vali, cũng như quảng cáo cho một văn phòng cho vay trong bức ảnh.
Năm 1930. Những người đàn ông thất nghiệp xếp hàng chờ lấy bánh mì và nhu yếu phẩm trong cuộc Đại Suy Thoái. Vào năm 1932, cứ 3 người New York thì 1 người thất nghiệp, và khoảng 1,6 triệu người sống nhờ vào trợ cấp chính phủ.
Năm 1938. Quang cảnh từ trên cao của đám đông đón giao thừa ở Quảng trường Thời đại. Người dân tại Mỹ bắt đầu đón năm mới ở Quảng trường Thời đại từ năm 1904.
Năm 1940. Một nhóm người nhìn ra ngoài từ trên Tòa nhà Empire State. Đây là tòa nhà cao nhất thế giới cho đến những năm 1970, khi Trung tâm Thương mại Thế giới đã giành được vị trí này.
Năm 1947. Một đứa trẻ vẫy cờ Mỹ từ vương miện của Tượng Nữ thần Tự do. 25 cửa sổ của vương miện nhìn ra Bến cảng New York xung quanh.
Năm 1953. Người đi bộ len lỏi qua làn giao thông đông đúc của thành phố New York.
Năm 1958. Hai người mẫu mặc áo choàng lông, mũ nồi nhung và váy ngang eo đi bộ qua Cầu Tudor City trong buổi chụp hình cho tạp chí Vogue.
Năm 1961. Ba người đi bộ cầm ô chống chọi với tuyết và gió khi băng qua ngã tư tại Phố 148 ở Harlem. Trận bão tuyết xảy ra vào tháng 2/1961 với một số khu vực ghi nhận tuyết dày tới 50cm.
Năm 1966. Một chiếc trực thăng hạ cánh trên nóc tòa nhà Pan-Am (nay là tòa nhà MetLife), được thiết kế bởi kiến trúc sư người Đức và người sáng lập Bauhaus, Walter Gropius.
Năm 1967. Các cơ sở kinh doanh tại góc Đại lộ 7 và Đường 42 tại Quảng trường Thời đại.
Những người trên tàu điện ngầm vào năm 1976, cùng với quảng cáo thuốc lá Lark nổi tiếng.
Người dân New York chật cứng trên cầu Brooklyn vào năm 1978 sau sự cố mất điện nghiêm trọng làm hệ thống tàu điện ngầm ngừng hoạt động.
Người đi bộ đi qua lối vào Sở giao dịch chứng khoán New York tại Phố Wall. Những năm 80 là một thập kỷ được đánh dấu bởi sự giàu có, đặc biệt là ở Thành phố New York, một xu hướng tồn tại cho đến khi thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1987.
Năm 1999. Một đám đông gồm 30.000 người chạy băng qua Cầu Verrazzano-Narrows ở Đảo Staten trong cuộc thi Marathon Thành phố New York. Ngày nay, đây là cuộc đua marathon lớn nhất trên thế giới, với 53.627 người tham gia vào năm 2019./.