Cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, trong những năm qua, số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng; tính đến hết tháng 12.2022, cả nước có trên 91,067 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% số dân, vượt chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao. Đáng chú ý là trong bối cảnh kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, tỷ lệ người dân tham gia BHYT vẫn duy trì, chứng tỏ BHYT đã là một nhu cầu của đời sống xã hội; chất lượng dịch vụ y tế, dịch vụ BHYT đáp ứng sự hài lòng của người tham gia và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, đã có hơn 70% số lượt khám, chữa bệnh BHYT thực hiện tại tuyến huyện và xã; hơn 80% trạm y tế xã tổ chức khám, chữa bệnh BHYT...
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao. Quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh; chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Một số vấn đề trọng tâm của chính sách BHYT liên tục được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp như phát triển đối tượng tham gia; quyền lợi của người tham gia; tổ chức khám, chữa bệnh; phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh; quản lý và sử dụng Quỹ BHYT và các vấn đề liên quan đến tổ chức, quản lý nhà nước về BHYT.
Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, quá trình thực hiện Luật vẫn còn một số tồn tại, bất cập như các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ; việc tổ chức thực hiện Luật trên nhiều phương diện còn có một số hạn chế về năng lực, điều kiện cơ sở vật chất, công tác quản lý; trong khi nhu cầu của người dân về chăm sóc sức khỏe ngày một cao và sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật y, dược, công nghệ thông tin... Bên cạnh đó, một số vấn đề về cơ chế tài chính chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở.
Mặt khác, qua hơn 30 năm triển khai, công tác giám định BHYT cũng cần có sự thay đổi để phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhất là với xu hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin; ngoài ra, còn phải đáp ứng yêu cầu từ việc triển khai chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh; phân bổ quỹ khám, chữa bệnh BHYT không thực hiện được theo số thẻ đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu...
Tạo sự ổn định, bền vững của quỹ BHYT
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu rõ, nhằm đạt được những mục tiêu và thực hiện các giải pháp mà Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; giải quyết các khó khăn vướng mắc về BHYT hiện nay cũng như bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật mới được ban hành trong thời gian qua thì việc xây dựng Luật BHYT (sửa đổi) là cần thiết và quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Trên cơ sở thực tiễn như đã nêu ở trên, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự án Luật BHYT (sửa đổi); thông qua đánh giá, tổng kết thực tiễn, tổng hợp và luận giải các vấn đề vướng mắc, xem xét kinh nghiệm trên thế giới về BHYT, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân xét trên cả 3 phương diện về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, phạm vi dịch vụ được hưởng và mức độ bảo vệ tài chính của người sử dụng dịch vụ y tế.
TS. Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 20-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu về bao phủ BHYT đến năm 2025 đạt 95% dân số; tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%; nâng cao chất lượng giám định bảo đảm khách quan, minh bạch, thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối Quỹ BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT, cơ sở y tế. Do vậy, Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) cần bám sát Nghị quyết 20-NQ/TW để thực hiện.
Mặt khác, việc sửa đổi Luật cũng cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật mới được ban hành trong thời gian qua như Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật BHXH; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Lao động; Luật Căn cước công dân… Quy định của Luật cần tạo thuận lợi cho hoạt động nghiệp vụ hàng ngày; có cơ chế bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT và cơ sở khám, chữa bệnh cũng như tính ổn định, bền vững của quỹ khám, chữa bệnh BHYT.
Theo các chuyên gia, quy định trong Luật cần làm rõ nội hàm của công tác giám định BHYT theo hướng chú trọng vai trò kiểm soát chi phí, tức là hoạt động nhằm kiểm tra, đối chiếu các yêu cầu thanh toán chi phí khám, chữa bệnh với các quy định của pháp luật; đồng thời phải có quy định giao dự toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đến từng cơ sở y tế, bảo đảm thực hiện hiệu quả, hợp lý.
Theo Bộ Y tế, việc sửa đổi Luật BHYT dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm vấn đề lớn, đó là: mở rộng đối tượng tham gia; mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH trong hoạt động giám định BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng Quỹ BHYT.