Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020 còn “bấp bênh”10/12/2021 - 16:00:00 Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song việc triển khai tái cơ cấu ngành Công Thương vẫn còn hạn chế, mô hình tăng trưởng thay đổi chậm, các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành dù đạt được kết quả nhưng chưa vững chắc, chưa tạo ra các đột phá...Báo cáo xây dựng đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030 của Bộ Công Thương nhận định, tái cơ cấu ngành giai đoạn 2011-2020 đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Qua đánh giá cho thấy có 10/14 mục tiêu của về tái cơ cấu ngành Công Thương đã được hoàn thành, 14 nhóm nhiệm vụ đã được triển khai thực hiện và có kết quả tích cực. Ngành Công Thương đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng là động lực cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh những khó khăn thời gian gần đây (như chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, đại dịch Covid-19…) trên cả 4 ngành, lĩnh vực lớn là công nghiệp, năng lượng, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước. Trong 11 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển giai đoạn 2011-2020 thì đến nay 6/11 ngành hiện là các ngành công nghiệp đứng đầu cả nước, có đóng góp lớn cả về sản xuất, xuất khẩu, đầu tư và việc làm gồm: Dệt may, da giầy, thực phẩm chế biến, thép, hóa chất, nhựa. Ba ngành công nghiệp mũi nhọn được xác định cho thời kỳ này thì ngành điện tử đã phát triển bứt phá và trở thành ngành công nghiệp lớn thứ ba về đóng góp giá trị tăng thêm vào GDP và là ngành xuất khẩu lớn nhất của đất nước với sự bứt phá cao trong 5 năm qua (chiếm tới hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu). Quy mô xuất khẩu liên tục được mở rộng, với tỷ trọng so với GDP tăng từ 71,5% năm 2011 lên 104,2% năm 2020. KẾT QUẢ CHƯA VỮNG CHẮCMặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song việc triển khai tái cơ cấu ngành Công Thương vẫn còn hạn chế, mô hình tăng trưởng thay đổi chậm, các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành dù đạt được kết quả nhưng chưa vững chắc, chưa tạo ra các đột phá... Cụ thể, Bộ Công Thương cho rằng, ngành công nghiệp của Việt Nam mới phát triển về chiều rộng mà chưa phát triển về chiều sâu, tiến trình công nghiệp hóa trong công nghiệp thực hiện chậm. Năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Công nghệ sản xuất trong công nghiệp chậm được đổi mới, dẫn đến các doanh nghiệp công nghiệp chưa đủ năng lực để sản xuất tạo sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao. Mặt khác, năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn chưa cao, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng (hóa chất, cơ khí, thép...), nên phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu từ bên ngoài. Chất lượng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành công nghiệp còn thấp do năng lực sản xuất trong nước hạn chế. Là lĩnh vực chủ chốt nhưng năng lực cạnh tranh của ngành năng lượng chưa cao và còn đối mặt với nhiều thách thức về đảm bảo an ninh năng lượng. Nguồn cung năng lượng trong nước đã chạm trần tăng trưởng trong nhiều năm (than, dầu khí, thủy điện) và không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn, đặc biệt là nhập khẩu than và dầu thô. Dù quy mô xuất khẩu đứng thứ 20 trên thế giới nhưng Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng xuất khẩu tại các thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Chúng ta mới chỉ mới khai thác được khoảng 1/2 tiềm năng hiện có. Còn với trong nước, Bộ Công Thương đánh giá, phát triển thương mại trong nước chưa khai thác hết tiềm năng của khu vực thị trường mới nổi với quy mô dân số trẻ và sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu. Dung lượng của thị trường trong nước còn thấp, mới chỉ chưa đến 1/2 lần so với thị trường xuất khẩu và khoảng 1/4 so với thị trường xuất nhập khẩu, thậm chí đang ngày càng bị doãng ra. Hệ thống phân phối hiện đại mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quy mô hàng hóa lưu thông qua hệ thống này chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu bán lẻ (dưới 10%) so với các nước phát triển (trên 70%). NGUYÊN NHÂN TỪ NHIỀU CÁI “CHẬM VÀ THIẾU”Bộ Công Thương phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trên. Trước hết, việc thực hiện tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của ngành chưa được quán triệt xuyên suốt và nhất quán trong chỉ đạo, điều hành ở tất cả các cấp, nhất là ở các địa phương. Ngành chưa xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá và cơ chế theo dõi, giám sát và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ có tính chất liên ngành, liên vùng và đa lĩnh vực. Hơn nữa khung chính sách, pháp luật về thương mại còn được chậm điều chỉnh để phù hợp với các FTA đã ký kết. Hệ thống thể chế và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đối với ngành Công Thương còn chậm đổi mới để đáp ứng với sự thay đổi của bối cảnh mới. Đặc biệt, hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật thực thi tái cơ cấu ngành còn chưa đủ mạnh; chưa hình thành được khung chính sách, pháp luật phát triển công nghiệp đồng bộ để thúc đẩy phát triển công nghiệp từ trung ương đến địa phương. Các cơ chế, chính sách mang tính trọng tâm, đột phá để hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên còn thiếu. Mô hình tăng trưởng chậm thích ứng với các đổi mới, xử lý các cú sốc từ bên ngoài. Thiếu thể chế tạo liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng để phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển các ngành. Thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá trong tăng trưởng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, Bộ Công Thương cho rằng, đề án tái cơ cấu ngành giai đoạn 2021-2030 cần đáp ứng mục tiêu phát huy tối đa các động lực hiện có và tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao, nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Và xếp thứ 2 trong ASEAN về quy mô thị trường bán lẻ và thương mại điện tử. Ngành Công Thương có đóng góp trực tiếp lớn nhất vào GDP với tỷ trọng 55-60%... Theo vneconomy.vn
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|