Một số người đàn ông nghĩ việc đeo khẩu trang là biểu hiện của sự yếu đuối và đáng xấu hổ. Đây không phải lần đầu tư tưởng nam tính đi ngược lại quy tắc sức khỏe cộng đồng.
Ngay cả khi phải nhập viện vì mắc Covid-19, cựu Tổng thống Donald Trump vẫn muốn thể hiện rằng ông không cần đến khẩu trang.
Ngày 6/10/2020, khi bước lên bậc thang của Nhà Trắng sau khi trở về từ bệnh viện - sau những ngày phải điều trị vì mắc Covid-19, ông Trump ngay lập tức tháo khẩu trang. Ông đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng: Tôi ra trận với một kẻ thù tàn nhẫn và không hề bị tổn thương, vẫn hiên ngang mạnh mẽ như thế này đây.
“Tôi khỏe hơn và có thể tôi đã miễn dịch với virus corona. Đừng để nó chi phối cuộc sống của bạn”, ông nói trong một video vào cuối ngày 10/5/2020, coi thường hoàn toàn sự nguy hiểm của loại virus đã giết chết hơn 220.000 người Mỹ tại thời điểm đó. (Con số đó giờ đây là hơn 587.000 người).
|
Ông Trump ngay lập tức tháo khẩu trang sau khi trở về bệnh viện. Ảnh: CNN.
|
Ông Trump không phải là ngoại lệ, và những người đàn ông Mỹ cũng không ngoại lệ. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, tại Mỹ, một hình ảnh đã trở thành biểu tượng của sự nam tính: một người đàn ông đi xuống phố với chiếc mặt nạ kéo xuống cằm.
Anh ấy đã nỗ lực đeo khẩu trang, đồng ý với thông điệp sức khỏe cộng đồng xung quanh việc đeo khẩu trang, nhưng anh ấy không thể kéo nó lên trên mũi và miệng của mình. Tại sao vậy?
Đeo khẩu trang và giới tính nhìn thoáng qua có vẻ không có mối quan hệ gì với nhau. Nhưng với những nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, không có gì đáng ngạc nhiên khi khẩu trang là một vấn đề liên quan đến giới tính.
Những nhà lãnh đạo "mạnh mẽ"
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2020, ông Trump còn công kích việc đối thủ Joe Biden đeo khẩu trang là yếu đuối.
“Tôi không đeo khẩu trang như ông ấy. Ông ấy luôn đeo khẩu trang. Dù ở khoảng cách rất xa, tôi vẫn có thể nhìn thấy cái khẩu trang lớn nhất trần đời”, ông Trump phát biểu trong cuộc tranh luận ngày 29/9/2020. Với hàm ý đó, ông Trump muốn thể hiện mình có phần mạnh mẽ hơn đối thủ.
Ý tưởng này một lần nữa được ông Trump đưa ra khi ông châm chọc người đứng đầu Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. “Hãy đeo khẩu trang trong phòng làm đẹp ấy, Nancy!”, ông viết trên mạng xã hội Twitter.
Tổng thống Donald Trump cũng không phải nhà lãnh đạo duy nhất chia sẻ thông điệp này. Ngày 9/5, được hộ tống bởi các nhân viên an ninh, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã dẫn đầu một cuộc vận động bằng môtô nhằm lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri đối với mình, Channel NewsAsia đưa tin.
|
Không chỉ Tổng thống Bolsonaro, đoàn hộ tống của ông cũng không ai đeo khẩu trang. Ảnh: Reuters.
|
Với sự tham gia của hàng trăm người, cuộc vận động kéo dài khoảng một tiếng. Cuối cuộc vận động, ông Bolsonaro đã chụp ảnh và bắt tay những người ủng hộ mà không đeo khẩu trang.
Dù số ca tử vong vì Covid-19 ở Brazil không ngừng gia tăng, ông Bolsonaro vẫn quyết không coi việc sử dụng khẩu trang như một biện pháp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm. Brazil hiện ghi nhận hơn 15 triệu ca nhiễm viruscorona với hơn 442.000 ca tử vong. Bản thân ông Bolsonaro cũng từng nhiễm bệnh.
"Khẩu trang là yếu đuối"
Tháng 5/2020, một cuộc khảo sát với 2.459 người ở Mỹ do Đại học Middlesex, London và Đại học Berkeley, California thực hiện cho thấy nam giới có xu hướng ít đeo khẩu trang nơi công cộng hơn so với phụ nữ.
Không chỉ vậy, nhiều người đàn ông tham gia khảo sát cũng cho rằng đeo khẩu trang là biểu hiện “đáng xấu hổ, nóng bức và là dấu hiệu của sự yếu đuối”.
Independent dẫn theo một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Kaiser Family Foundation - một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tập trung vào các vấn đề sức khỏe cộng đồng - cũng cho thấy 68% nữ giới thường xuyên đeo khẩu trang khi ra đường so với 49% nam giới. Một số đàn ông coi khẩu trang giống như “bao cao su dành cho phần mặt”.
|
Trong suy nghĩ nhiều người, đàn ông đích thực thì không cần đến khẩu trang. Ảnh: The Indepedent.
|
Thay vì thừa nhận họ không muốn tuân thủ quy định, phần lớn những người từ chối đeo khẩu trang đều cố gắng biện minh cho quyết định của họ về mặt khoa học, mặc dù chủ yếu là thông tin sai lệch.
“Covid-19 là một căn bệnh nhẹ”, theo Ewell, 26 tuổi, đến từ Sheffield, Vương quốc Anh, người tin rằng virus corona không gây ra bất cứ mối đe dọa nào đối với anh, vì vậy không cần đeo khẩu trang.
Joe - 42 tuổi, đến từ Anglesea, xứ Wales - cho biết: “Có rất ít hoặc không có bằng chứng cho thấy khẩu trang sẽ chống lại Covid-19”. Hay theo Tom - 44 tuổi, đến từ London - “chỉ 0.06% dân số sẽ chết vì Covid-19”, nhưng không cung cấp được nguồn nghiên cứu mà anh trích dẫn.
Ở nhiều nước, những người không đeo khẩu trang khi ra đường sẽ bị phạt tiền. Tuy nhiên, việc bị phạt tiền cũng chẳng có tác động gì đến những người không muốn đeo khẩu trang.
“Tôi phải làm gương (cho những người khác) rằng Covid-19 không có gì đáng sợ đối với đa số mọi người”, Tim - 18 tuổi và sống ở London - nói. Ewell cho biết thêm: “So với bị phạt tiền, tôi lo sợ thực tế rằng chính phủ có quyền kiểm soát các quyết định xã hội của chúng tôi, chẳng hạn như những gì chúng tôi mặc”.
Họ cũng không cho rằng việc từ chối đeo khẩu trang góp phần vào gia tăng số người chết vì Covid-19.
“Trước khi có lệnh bắt buộc đeo khẩu trang, số người mắc bệnh còn ít hơn bây giờ. Vậy tại sao mọi người lại cho rằng đeo khẩu trang lại là một biện pháp phòng dịch hiệu quả?”, Ewell nói thêm.
|
Jared Kushner và Ivanka Trump - con gái Donald Trump cùng với các con đến thăm Trung tâm Vũ trụ Kennedy vào tháng 5/2020. Kushner là người duy nhất trong gia đình không đeo khẩu trang. Ảnh: Getty.
|
Theo số liệu trích dẫn trên Independent, không chỉ nam giới dễ bị nhiễm virus corona mà vô số nghiên cứu đã chỉ ra rằng họ cũng có tỷ lệ tử vong cao hơn sau khi mắc bệnh.
Tại châu Âu, Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo rằng 70% tổng số ca nhập viện liên quan đến Covid-19 phải vào phòng chăm sóc đặc biệt là nam giới - chiếm 57% tổng số ca tử vong.
Trong khi đó, nghiên cứu được công bố vào tháng 3/2020 của tạp chí Y khoa Anh cũng cho thấy tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở nam giới tại Trung Quốc, Iran và Hàn Quốc cao hơn. Ngoài ra, dữ liệu được Global Health 50/50 đối chiếu cho thấy, ở đại đa số các quốc gia khác, tỷ lệ nam giới tử vong do Covid-19 cao hơn nữ giới.
"Thà chết chứ không chịu nhục"
Theo các giá trị nam tính độc hại truyền thống, một người đàn ông nếu không thể hiện được sức mạnh, sự vô cảm, độc lập, thống trị, cứng cỏi và bạo lực tình dục thì sẽ không thể trở thành “một người đàn ông thực thụ”.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu đổ lỗi cho các chuẩn mực nam tính độc hại có tác động tiêu cực đến sức khỏe của phái nam. Bản năng thống trị của một nhóm đàn ông cảm thấy đeo khẩu trang sẽ khiến họ dễ bị tổn thương. Họ thà chết vì virus còn hơn là chịu sỉ nhục từ việc không thể chiến thắng căn bệnh này.
Peter Glick - chuyên gia về thành kiến và phân biệt đối xử tại Đại học Lawrence ở Wisconsin - cho rằng đàn ông dường như sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong cuộc sống hàng ngày. Họ dường như chỉ tập trung vào định kiến giới khiến đàn ông phải thể hiện sức mạnh và sợ “lớp áo giáp” ấy bị tổn thương.
|
Nam tính độc hại đôi khi gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến sức khỏe cho nam giới. Ảnh: BBC.
|
“Các tác động xã hội khiến đàn ông để trở nên thống trị và độc lập. Tất cả những đặc điểm này đều củng cố các chuẩn mực gia trưởng vốn thể hiện sự nam tính. Vì những lý do này, đeo khẩu trang có thể thể hiện sự yếu đuối ở một số người. Nó cho thấy họ sợ hãi loại virus này một cách công khai, do đó, nó sẽ 'chọc thủng' sự dũng cảm của nam giới mà xã hội vốn coi trọng”, ông nói thêm.
Emma Lygnerud Boberg - cố vấn phát triển chương trình về giới tại International Media Support, Đan Mạch - cho biết: “Đây là một xu hướng mà chúng tôi đã thấy từ lâu, khi nam giới tỏ ra miễn cưỡng áp dụng các biện pháp phòng ngừa an toàn hơn so với phụ nữ”.
Bà lưu ý rằng vấn đề này không chỉ xảy ra với việc đeo khẩu trang. So với phụ nữ, nam giới ít thắt dây an toàn hoặc ít gặp bác sĩ khi họ không khỏe hơn. Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng nam giới thường lái xe ẩu, chạy quá tốc độ hoặc say rượu.
|
Định kiến về tính nam gây ra nhiều hệ quả tiêu cực cho xã hội, không chỉ trong lĩnh vực sức khỏe. Ảnh: Baltimore Sun.
|
Chính xã hội đã dạy những người đàn ông rằng cách duy nhất để có phẩm giá là không được yếu đuối, phải bạo lực và đừng bao giờ để người khác thấy được mặt dễ bị tổn thương hoặc thiếu thốn của mình. Cách dạy dỗ đàn ông theo kiểu này dẫn đến nhiều vụ lạm dụng và hành hung phái nữ. Không chỉ vậy, nam tính độc hại còn khiến đàn ông bế tắc trong chính “bẫy hình ảnh” mà họ dựng lên.
Điều trớ trêu là những người đàn ông này nghĩ rằng họ đang thể hiện lý tưởng của một người cá tính, cứng cỏi, “đúng chất đàn ông”. Họ cố giấu giếm hay từ chối những thứ mà mình cho rằng không nam tính, để rồi sợ hãi về những gì người khác nghĩ. Say sưa với tư tưởng nam tính đó, họ lầm tưởng rằng từ chối bảo vệ bản thân sẽ là dấu ấn hay tính cách ấn tượng.
Sẽ không dễ gì để thay đổi tư tưởng này trong một sớm một chiều. Có lẽ, nếu như truyền thông và xã hội tạo hình ảnh “nam tính hơn” cho những chiếc khẩu trang, một số người đàn ông chắc sẽ đeo chúng suốt cả ngày.