Tận cùng nỗi đau Làng Nủ15/09/2024 - 08:41:00 Ngay khi có thông tin xảy ra trận lũ quét san phẳng một bản làng ở huyện Bảo Yên (Lào Cai), chúng tôi lập tức được tòa soạn cử lên đường. Dù đã biết trước, nhưng khi đến nơi, chúng tôi thực sự bàng hoàng trước cảnh tượng bày ra trước mắt. 37 ngôi nhà bản Làng Nủ chỉ còn lại đúng 2 nóc nhà. Những ngày sau đó khi trực tiếp chứng kiến cảnh cứu hộ và tìm kiếm ở Làng Nủ, có những thời điểm, cảm thấy đau xót như không thở nổi.
Hiện trường tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Làng Nủ. Ảnh: Phạm Hưng. Thảm họa ập đến Làng Nủ nằm dưới chân núi Con Voi. Bao năm qua, 37 hộ dân tộc Tày sinh sống yên bình ở đây. "Làng Nủ chưa từng xảy ra lũ hay thiên tai gì cả", một người dân xã Phúc Khánh nói. Chẳng ai nghĩ biến cố lũ quét Làng Nủ sẽ xảy đến. Những người sống sót của Làng Nủ kể rằng, dường như chỉ sau vài cái chớp mắt vào rạng sáng ngày 10/9, ngôi làng với 37 nóc nhà chìm dưới đất đá, bùn, nước. Bản Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), nơi sinh sống của 158 nhân khẩu bỗng chốc... biến mất. 35 mái nhà bị lượng đất đá khổng lồ đổ sập từ núi Voi xuống. Trên mặt phẳng còn lại chỉ còn sót đúng 2 nóc nhà. Ông Hoàng Ngọc Diệp – Trưởng thôn Làng Nủ đứng chỉ về phía bãi bùn đất, rồi kể vị trí từng hộ dân, tên chủ hộ trước đây từng sinh sống. Khoảng 6 giờ sáng, trong đời ông Diệp chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào kinh khủng như thế. Những tiếng ục ục như báo trước thảm họa - "nhưng lúc đấy nào ai biết" - rồi một tiếng nổ lớn, cả mảng đất đá khổng lồ từ núi Con Voi trùm xuống Làng Nủ. Mặt đất rung chuyển, mảnh gỗ, bê tông, xe máy, đồ đạc bị áp lực bắn cao lên không trung rồi lại sập xuống lần nữa cùng đất đá. Tiếng ì ầm kết thúc, tiếng kêu khóc vang lên. Cả thôn Làng Nủ phút chốc thành bình địa. Thủ tướng rơi nước mắt ở Làng Nủ Trực tiếp có mặt ở hiện trường, chúng tôi đã chứng kiến hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính lội bùn tới khu vực hiện trường vụ sạt lở bản Làng Nủ để thị sát tình hình, kiểm tra và động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân tại đây. Trên đường vào nhà văn hóa, Thủ tướng đã dừng xe lội xuống thăm hỏi lực lượng tìm kiếm. Nhìn cảnh tượng tang thương ở Làng Nủ, Thủ tướng đã không cầm được nước mắt, chia buồn sâu sắc tới những gia đình, người thân có người tử vong tại đây. Tại đây, Thủ tướng yêu cầu khảo sát, quy hoạch địa điểm an toàn với sự tham gia ý kiến khoa học của các cơ quan chuyên môn để xây dựng lại, khôi phục bản Làng Nủ, bảo đảm các hộ dân có nơi ở an toàn với hạ tầng phù hợp. Đến ngày 31/12, tất cả người còn sống và các hộ phải có chỗ ở, nơi sinh sống ổn định, có điện nước, nơi vui chơi, cây xanh, đảm bảo môi trường sống an toàn, lành mạnh. Tiếng nổ lớn khiến người dân ở xã Lương Sơn, giáp với xã Phúc Khánh cũng cảm nhận được. Lúc đấy là gần 6 giờ sáng, ông Hoàng Văn Huế ở Bản Buộc (xã Lương Sơn) đi làm nương sớm. Tiếng nổ lớn làm ông giật mình, cứ thế, người đàn ông bỏ dụng cụ làm nương chạy về phía Làng Nủ. "Lúc đấy mình cũng không biết chuyện gì, chỉ biết cần phải sang bên đấy", ông Huế nói. Ông băng đồi, vượt suối chạy sang Làng Nủ. Cảnh tượng thật kinh hoàng, cả bản làng không còn nữa. "Người ta cáng một số người bới trong bùn đất ra nhà văn hóa, tôi cũng giúp một tay", ông Huế kể lại. Ở gần hiện trường hơn so với ông Huế, ngay sau khi đất đá sụp xuống, ông Hoàng Văn Tá (xã Phúc Khánh) đã có mặt tại hiện trường. "Tuổi ông ngoại rồi mà cả đời chưa từng thấy cảnh tượng nào khủng khiếp như thế này", ông Tá nói bàng hoàng nhớ lại. Trong mưa, ông Tá cùng người dân xung quanh lần theo tiếng khóc, tiếng kêu yếu ớt trong phát ra từ đống bùn đất. Cứ từng người, từng người một được bới lên. Ông Tá bới đất, đưa lên được 5 người. Người dân nhìn thấy một số người bị cuốn theo dòng nước bùn nhưng bất lực không cách nào tiếp cận được. "Sợ lắm, đến giờ tôi vẫn còn sợ. Người thân tôi cho di chuyển đến nơi khác hết rồi. Giờ nghe tiếng mưa rơi ở Làng Nủ cũng sợ", ông Tá chưa hết hoàn hồn. Chiều 13/9, có thêm chị Nguyễn Thị Hồng (33 tuổi) đi làm ăn ở Yên Bái, bị lũ cô lập mất liên lạc nay trở về an toàn cùng 2 con. Như vậy, đến nay có 11 trường hợp mất tích trong vụ sạt lở Làng Nủ trở về. 9h sáng ngày 14/9, lực lượng cứu hộ đã tìm thêm được 3 thi thể nạn nhân nâng tổng số người chết do trận lũ quét ở Làng Nủ là 51 người. Hiện còn 33 người mất tích. Khi chưa có lực lượng nào kịp đến ứng cứu, tự những người còn sống ở Làng Nủ và bà con các làng lân cận ngay trong buổi sáng 10/9 hôm ấy đã kéo được hơn 20 đồng bào từ đống bùn đất của núi Con Voi, một số người đã tử vong, đưa được 17 người đến điều trị trong bệnh viện. Đường sá bị chia cắt, người dân phải cáng bộ người bị nạn, dùng thuyền chở qua suối đến chỗ có đường bê tông, tăng bo xe công nông vượt qua những chỗ sạt lở, vượt qua thôn Sài ra đến ngã 3 giao với Quốc lộ 70, rồi từ đó đi lên thị trấn Phố Ràng. Bình oxy từ Trạm Y tế xã Phúc Khánh không đủ, phải qua xã Lương Sơn tiếp tế thêm cho các nạn nhân. Đường sá chia cắt, điện mất, thông tin liên lạc không có, những nạn nhân đầu tiên phải tầm trưa mới đưa được ra đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên. "Có người trong dạ dày đầy bùn đất", một y tá ở bệnh viện kể lại. Những người chấn thương nhẹ được điều trị ngay tại bệnh viện huyện, nơi cũng vừa bị ngập lụt suốt mấy ngày qua. Người bị nặng được chuyển lên tuyến trên. Bác sĩ Phạm Hồng Việt – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đã điều động một kíp cấp cứu lưu động gồm 6 người lên thẳng làng Nủ để cứu người. Đại tang ở Làng Nủ. Ảnh: Phạm Hưng. Nước mắt trộn bùn Do đường vào thôn Làng Nủ bị ách tắc, đặc biệt là khu vực bị lũ quét, nhân dân bị cô lập hoàn toàn. Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã quyết tâm mở đường để đưa lực lượng, phương tiện vào tìm kiếm, cứu nạn. Sáng 11/9, nhóm PV chúng tôi có mặt ở hiện trường nơi xảy ra trận lũ quét ở Làng Nủ. Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, Trung tướng Phạm Hồng Chương – Tư lệnh Quân khu 2 trực tiếp chỉ huy hiệp đồng cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường. Hơn 500 người được điều động, phân ca kíp để tìm kiếm các nạn nhân. 3 kíp cấp cứu thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng cùng bệnh viện địa phương túc trực, cấp cứu người bị thương. Tại thôn Làng Nủ, 1 kíp y, bác sĩ trực, sẵn sàng cấp cứu tại chỗ trước khi đưa các nạn nhân về Bệnh viện huyện điều trị. Nhà văn hóa thôn Làng Nủ trở thành nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương cứu hộ, cứu nạn. Các phương án liên tục được đưa ra bàn thảo, bên ngoài hiện trường, lực lượng chức năng vẫn nỗ lực tìm kiếm từng nạn nhân. Theo con số Trung tướng Phạm Hồng Chương - Tư lệnh Quân khu 2 cho biết, hơn 300 chiến sỹ từ Quân khu 2 được điều động để phối hợp cứu hộ cứu nạn. Suốt cả ngày 11/9, đoàn chiến sỹ, người dân vẫn không ngừng đào bới, tìm kiếm các nạn nhân còn trong bùn đất. Trên trời mưa vẫn rơi cho đến ngày 12/9 mới tạm ngớt. 100 chiến sĩ tìm kiếm dọc suối Nủ từ sông Chảy vào; 200 chiến sĩ tìm kiếm trực tiếp tại khu vực sạt lở. Ngoài ra, lực lượng công an, quân đội, dân quân của huyện và tỉnh khoảng 300 người cùng tham gia tìm kiếm, dẫn đường và cung cấp thông tin. Cứ vài phút, lực lượng chức năng lại đưa ra một thi thể nạn nhân. Dòng người mặc áo mưa đứng ở hiên nhà ào tới, nhận xem có phải người thân của mình hay không. Tiếng khóc than vang lên khi có người nhận thấy họ hàng của mình, gào gọi tên người thân. Đến chiều 11/9, lực lượng tìm kiếm bất lực tạm nghỉ sau khi đã có 31 nạn nhân được xác định đã tử vong, mấy chục người còn mất tích. Những chiếc áo quan cứ lần lượt được chuyển đến Làng Nủ trong tận cùng nỗi đau. Những cái tên lần lượt được gào lên bởi người thân của nạn nhân. Ở một góc khác, một số người đầu giờ chiều mới đến hiện trường cố tìm tên người thân của mình trong danh sách đã được tìm thấy chưa. Khi nạn nhân thứ 31 được tìm thấy, lẫn tiếng khóc là những tiếng xôn xao "chỉ mong làm sao tìm được bố, mẹ, con dâu, con rể, các cháu". "Mẹ cháu được tìm thấy rồi, mọi người cuốn chiếu, đưa đi đâu rồi", câu nói của một cô bé tầm 3 – 4 tuổi khiến cho những người xung quanh không cầm được nước mắt. "Bố, chị gái, anh rể, cả chú, cả thím, các cháu... chả thấy đâu nữa, nhiều lắm, giờ chưa đếm được", chị Nguyễn Thị Tâm vừa khóc vừa nói. Những chiếc áo quan lần lượt được di chuyển khỏi Nhà văn hóa thôn Làng Nủ. Bà H.T.T bấn loạn không biết phải làm gì khi ngồi cạnh hai cỗ quan tài: Con dâu và một người cháu 15 tuổi. Còn hai người cháu 2 tuổi và 10 tuổi vẫn chưa thấy đâu. Con trai bà đang nằm viện sau nỗ lực cứu vợ con bất thành. Một tấm bạt lớn cùng vài cọc tre dựng lên làm nhà đám che mưa cho hai cỗ áo quan. Hàng xóm xung quanh giúp bà T làm đám. "Nhà nghèo, con tôi hứa giúp mẹ bỏ nhà cũ, làm nhà mới nhưng giờ nhà mất, người cũng chẳng còn", bà T khóc. Ngồi từ trong nhà bà T nhìn ra đường, thi thoảng lại thấy những cỗ áo quan được khiêng từ hiện trường đi ra. Tang thương bao trùm, những ngày này, Làng Nủ có đại tang. Sáng 12/9, tại Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại Nhà văn hóa thôn Làng Nủ, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 2 nêu yêu cầu khi tìm kiếm phải dựa vào người dân, phương pháp tìm kiếm thường xuyên thay đổi cho phù hợp. Ở góc độ địa phương, ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã giao huyện, xã cử 25 người dân phối hợp tìm kiếm. Địa phương bố trí flycam để hỗ trợ tìm kiếm, đồng thời bố trí thêm kẻng, ống nhòm, loa, ... Thảm họa lũ quét Làng Nủ sang đến ngày thứ 3, lực lượng Bộ đội, Công an chia khu vực cụ thể để tìm kiếm nạn nhân. Cách hiện trường 5km, bộ đội chia đội hình theo từng ô để rà soát từng tấc đất. Bộ đội Biên phòng mang theo chó nghiệp vụ hỗ trợ tìm kiếm. Một thi thể bé gái đã được chó nghiệp vụ phát hiện trong buổi sáng. Số thi thể nạn nhân tìm thấy cũng tăng lên. Trong đó, thật đau xót khi 2 đứa cháu tiếp theo của bà H.T.T mới chỉ 2 tuổi và10 tuổi cũng đã tìm thấy thi thể. Vậy là riêng nhà bà H.T.T mất đi người con dâu và 3 đứa cháu lần lượt 15 tuổi, 10 tuổi và 2 tuổi. Một nỗi đau thấu đến trời xanh! Nước mắt ở Làng Nủ trộn bùn nhưng có lúc đau đến không còn nước mắt để rơi nữa!
Hai ngôi nhà còn sót lại Sáng 12/9, 3 ngày sau lũ dữ, ông Nguyễn Văn Cai trở lại ngôi nhà sàn còn sót lại giữa bình địa đầy đất bùn. Cả Làng Nủ còn dấu tích của 2 căn nhà bị lũ vùi dập đổ nát. Ông Cai cùng một số người dân đã thoát nạn trong cơn lũ quét ở Làng Nủ. Lội bùn đi về hướng nóc nhà sàn bị lũ quét ở Làng Nủ đẩy gẫy cột, dạt vào gần đồi, ông Cai nói với phóng viên: "Còn cái nhà giờ mới vào xem còn gì hay không". Tài sản ở bên ngoài của gia đình người đàn ông 47 tuổi "đi hết rồi". Chiếc xe ô tô là phương tiện vận tải kiếm sống của gia đình bị quần nát bươm còn găm vào một góc. Bốn con trâu đầu cơ nghiệp, ao cá, cùng toàn bộ xe máy và các vật dụng khác dưới nhà sàn không biết ở đâu. Vừa đi về phía căn nhà xiêu vẹo, ông Cai vừa kể lại giây phút tìm đường sống cho cả gia đình trong cơn lũ sáng 10/9. Khi ấy, trời đã mưa rất lớn, lũ to, nước suối lên nhanh. Nóng ruột, ông Cai dậy từ 5 giờ sáng đi kiểm tra ao cá của gia đình. "Nước suối to nhưng còn 2m nữa mới đến cầu", ông Cai từ ao cá về nhà gọi vợ con dậy. Cả nhà dậy chuẩn bị bữa sáng, đứa cháu nhỏ nhất nhà vẫn lăn lóc ngủ. Đi ra sau nhà, ông Cai thấy mù mịt trên núi, rồi có tiếng ầm ầm như bom nổ. "Ôi giời ơi, lũ quét rồi, dậy chạy đi. Tôi chạy vào hô hoán với cả nhà", ông Cai nói. Cả nhà chạy hướng cầu thang, muốn thoát theo lối cửa chính nhưng nước lũ đã ục đến. "Lúc đấy, nếu chạy theo đường này cả nhà tôi chết hết rồi", ông Cai kể lại. Già trẻ, lớn bé nhà ông Cai hô nhau chạy theo hướng đồi cọ gần nhà. Ông Cai vứt dép mà chạy, đẩy bố mẹ, con cái, các cháu từng người từng người một lên đồi. Con trai ông Cai dắt tay vợ đang mang bầu, cố kéo lên, phía sau ông Cai cố gắng đẩy cả hai lên trên. Cứ từng người, từng người một đầu không ngoảnh lại, cố chạy càng nhanh càng tốt. Với ông Cai, mỗi giây lúc sinh tử dài như cả đời người. Bố, mẹ, con trai, con dâu, cháu bám được để lên đồi. Ông Cai ngoảnh lại phía sau, nước lũ chỉ còn cách chân chừng 5m. Ông Cai chạy được lên đồi, cả căn nhà bị lũ xô dập phía sau lưng. Nhà ông may mắn thoát, còn họ hàng thì không. "Lúc đấy nhìn cả làng đã mất hết. Nhà anh trai thứ hai ở phía đầu nguồn đi hết, 5 người. Một anh khác bên nội nhà 7 người cũng không còn ai. 12 người cả thảy, hôm qua làm tang cho 10 người, còn 2 người mất tích", ông Cai xót xa. Trong nhà ông Cai, đồ đạc gần như không còn gì nguyên vẹn. Mâm cơm đang chuẩn bị dở sáng hôm kia, ngập đầy bùn đất. Cùng ở phía rìa làng như nhà ông Cai, gia đình 3 người chị Hoàng Thị Miên cũng thoát nạn khi kịp chạy về phía đồi cao. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình chị vẫn còn sót lại vài bức tường sau biến cố. Lúc đất đá sầm sập đổ xuống, chồng chị Miên kịp gọi nhà anh trai bên cạnh chạy được, còn "nhà anh em ở bên trên đi hết rồi". Khi đất đá ngừng trôi, hai vợ chồng chị chạy qua khe nước về phía tiếng kêu cứu phát ra từ nhà một người chú. Chị Miên kể: "Nhưng không phải, chú Kiên - em con chú đang ngồi dưới khe nước gọi, cả nửa thân người bị đất đá đè lên, kéo mãi không được". Vợ chồng chị cùng một người anh họ thoát được quay lại phía nhà người họ hàng. "Cứu thím với", tiếng kêu yếu ớt từ đống đất đá. Anh Nguyễn Văn Thớ - chồng chị Miên cố kéo nhưng không được. Nước lũ từ phía trên ập lên ập xuống từng cơn, từng cơn một. Nhiều người dân sinh sống gần đấy cũng đến hỗ trợ. "Người ta hô tránh đi đã, cho nước xuống đá, không cứu ngay được đâu", chị Miên nhớ lại khoảnh khắc cố cứu người thím. Một lúc sau, người thím được đưa lên bãi cỏ nhưng đã mất, một người con của thím cũng mất. Hai người con trai của gia đình bà thím bị thương nặng. Người chú cũng được chuyển xuống bệnh viện ở Hà Nội. Những người may mắn Tối 12/9, lực lượng cứu hộ vỡ òa niềm vui khi biết tin 8 người có tên trong danh sách những người mất tích sau lũ quét ở Làng Nủ vẫn đang còn sống. Ngay buổi sáng 13/9, trực tiếp gặp những người trở về, chúng tôi đã nói chuyện với ông Hoàng Văn Tiện và ông Hoàng Văn Duân – hai trong 8 người sống sót vừa được bỏ tên khỏi danh sách mất tích trong lũ quét ở Làng Nủ. Hai hộ gia đình này sống ở rìa Bản 1 của Làng Nủ. Nhiều may mắn đã đến với gia đình ông Hoàng Văn Tiện và ông Hoàng Văn Duân trong thảm họa lũ quét ở Làng Nủ. Sáng hôm xảy ra lũ quét, tiếng nước lũ mạnh đẩy đá lăn lục cục ở suối đánh thức ông Hoàng Văn Tiện từ 5 giờ sáng. "Tôi ra suối xem, rồi sau đó về gọi vợ con dậy. Gần 6 giờ sáng cả nhà cùng ra xem. Taluy nhà ông nội cách đấy 50m cũng đã bị sạt", ông Tiện nhớ lại. Trên đường gia đình ông Tiện về nhà, một tiếng nổ rất lớn phát ra từ trên núi. "Đất đá khổng lồ bị thổi bay lên tầm ba bốn trăm mét rồi đổ ụp xuống bản. Cả nhà tôi chạy, từ trên cao nhìn xuống cả làng đã bị san phẳng, không nhìn thấy nóc nhà nào luôn", ông Hoàng Văn Tiện nhớ lại. Ông Tiện quay trở lại hiện trường, tìm kiếm người bị thương. "Tôi kéo được một cháu bé, quay lại tìm kiếm tiếp bố mẹ cháu nhưng đất đá sạt xuống. Một lúc sau mới quay lại được, bố cháu dưới đống bùn đất đã chết, mẹ cháu bé hiện vẫn mất tích". Trong khoảnh khắc đấy, ông Tiện đã kéo được hai cháu bé Hoàng Gia Bảo và Nguyễn Thị Tuynh, năm nay đều 7 tuổi, đang học lớp hai. Còn đối với nhà ông Hoàng Văn Duân, vợ con ông từ tối hôm trước đã sang chăm ông nội bị ốm. Sáng hôm sau, ông Duân dậy xem nước tràn vào ruộng không rồi sang gọi vợ con về. "Đang từ nhà ông nội ở gần đấy về, tôi thấy đất đá đổ ập xuống. Chỉ kịp hô chạy đi, chạy đi các con ơi chạy đi. Gia đình anh trai tôi cũng chạy. Chỉ 2 – 3 phút sau đất đá đã đuổi đến phía sau người", ông Duân cho hay. Những ngày qua, hai gia đình tá túc ở trường học rồi sang ông nội ở, có tham gia hỗ trợ địa phương cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, trong lúc đông người, công việc khẩn cấp nên không biết gia đình mình trong danh sách mất tích. Tối 12/9, sau khi biết tin, họ đã trình báo với chính quyền địa phương. Cũng như nhiều gia đình khác, nhà cửa, tài sản của hai hộ dân này đã chìm trong đất đá sau trận lũ quét ở Làng Nủ.
Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|