|
Hiệp định EVFTA đã mở rộng cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt Nam. (Nguồn: vietnamfinance) |
Khu vực này cũng là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào "mảnh đất" tiềm năng này.
Chưa tận dụng được hết các cơ hội
Trước khi EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), nhưng vẫn ở mức khá cao từ 10-20%.
Từ khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng nông sản của các nước ở châu Á, đặc biệt với hai thị trường nông sản lớn Thái Lan và Trung Quốc - hai nước chưa có hiệp định thương mại tự do với EU.
Hiệp định EVFTA đã mở rộng cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt Nam khi thuế nhập khẩu được bãi bỏ với hầu hết các mặt hàng, tạo lợi thế vượt trội về giá bán.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020. Đặc biệt sau giai đoạn phong tỏa, giãn cách vì dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thực phẩm, nhất là sản phẩm rau củ quả tại các quốc gia khu vực EU đang gia tăng.
Bên cạnh đó, tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới mới lạ tại EU tăng cao, trong đó sản phẩm rau quả tươi tăng từ 15-20%/năm; sản phẩm chế biến tăng hơn 30%.
Tại Hội thảo khởi động dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, mặt hàng rau quả của Việt Nam dù được đánh giá có lợi thế, song chưa tận dụng được hết các cơ hội. Vì thế thị phần tại các khu vực EU còn hết sức khiêm tốn, con số này chỉ chiếm dưới 1% nhu cầu thị trường châu Âu.
Ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh: “Những tồn tại và điểm yếu của rau quả xuất khẩu có thể kể đến như cơ cấu giữa các mặt hàng chưa cân đối nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Sản lượng và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật của rau quả và gia vị xuất khẩu của các doanh Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường châu Âu.
Tin liên quan |
Để tăng tốc trên 'đường cao tốc' EVFTA |
Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu còn thiếu thông tin và nguồn nhân lực để đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng. Các ngành rau quả của Việt Nam thiếu các cơ chế hiệu quả để nâng cao năng lực toàn ngành và quảng bá cho các sản phẩm”, ông Hoàng Quang Phòng nêu rõ.
"Tiếp sức" cho doanh nghiệp Việt
Để khắc phục những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường EU, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Trần Thị Lan Anh cho rằng, ngành rau quả, gia vị thuộc top đầu ngành được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA khi xuất khẩu sang EU.
Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành rau quả, gia vị cần quan tâm cải thiện thực hành bền vững để đảm bảo tuân thủ những quy định, khuyến nghị về thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định nếu muốn xuất khẩu sang EU.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhìn nhận, dư địa xuất khẩu rau quả sang thị trường EU rất lớn, vì vậy, doanh nghiệp Việt cần tìm cách thức phù hợp để tận dụng được cơ hội khi kinh tế khu vực này đang phục hồi.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam đang thiếu chiến lược tổng thế xuất khẩu rau quả sang thị trường EU khi nông dân tư duy mùa vụ, doanh nhân tư duy thương vụ và chính quyền tư duy nhiệm kỳ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: "Hiện tại, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới (tiêu dùng xanh) đang là những yếu tố dẫn dắt thị trường xuất khẩu. Do đó, cần chiến lược tổng thể xuất khẩu rau quả sang thị trường EU.
Trong đó, cần sự vào cuộc của các bộ ngành trung ương, các địa phương, các cơ quan thương vụ nước ngoài và các doanh nghiệp xuất khẩu và cả người nông dân. Hướng tới xây dựng thương hiện nông sản Việt không chỉ tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn môi trường, tiêu dùng xanh. Có như vậy mới có thể xuất khẩu bền vững".
Để có thể tăng cường sự hiện diện của các mặt hàng rau quả, gia vị của Việt Nam tại thị trường châu Âu, “tiếp sức” cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Phái đoàn EU tại Việt Nam thông qua Tổ chức Oxfam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ cho dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị, rau, quả Việt Nam” (SFV-Export).
Dự án sẽ được triển khai trong 2 năm 2022, 2023, nhằm tăng cường năng lực xuất khẩu vào thị trường EU cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị, rau quả, từ đó, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Dự án sẽ cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu được “may đo” cho từng doanh nghiệp về quản lý chất lượng, quản lý chuỗi cung ứng và phát triển thị trường hướng đến xuất khẩu vào EU. Song song với đó, các cơ hội kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp với khách hàng tiềm năng từ châu Âu cũng sẽ được thúc đẩy theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Một nền tảng số chuyên biệt sẽ được xây dựng để doanh nghiệp có thể tiếp cận thuận lợi nhất các thông tin về thị trường và khách hàng EU, các kiến thức về tiêu chuẩn chất lượng và quy định của EVFTA đặc thù cho từng ngành hàng. Đồng thời, dự án cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng, quản trị doanh nghiệp, tiếp thị, thương mại.