Hai vợ chồng anh Lưu Ngọc Nam rời tỉnh Nam Định lên Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội làm việc đã 4 năm nay nhưng cuộc sống của gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. “Nếu mức lương tối thiểu tăng 6%, tính ra doanh nghiệp trả thêm mỗi tháng cho tôi chưa đến 200.000 đồng/tháng. Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng tuy không nhiều nhưng chúng tôi như được tiếp thêm động lực, cảm nhận rõ người lao động luôn được tổ chức Công đoàn, Chính phủ quan tâm. Chúng tôi chỉ mong Chính phủ đồng ý mức đề xuất trên và doanh nghiệp sẽ áp dụng sớm để những người lao động khó khăn giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống”, anh Lưu Ngọc Nam chia sẻ.
Theo kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn Việt Nam thực hiện trong tháng 3-2022, có 1.533 người lao động trả lời phiếu tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy, mức lương người lao động nhận được không đủ trang trải nhu cầu cuộc sống tối thiểu của họ và gia đình. Cụ thể, có 46,2% người lao động cho rằng, phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Tiền lương thấp dẫn tới thiếu thốn chi tiêu trong sinh hoạt của người lao động và gia đình họ. Có 56,1% người lao động cho biết, tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 21% người lao động cho hay, phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ; 13,2% người lao động nói rằng thu nhập hiện nay không đủ sống… Có 11,2% người lao động cho biết thường xuyên (hằng tháng) phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống; 35,6% người lao động thỉnh thoảng (từ 3-4 tháng/lần) phải đi vay; 35,6% người lao động phải vay tiền từ 1-2 lần/năm và chỉ có 17,7% người lao động chưa phải vay tiền để chi tiêu cho cuộc sống.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, Trưởng nhóm thương lượng của Công đoàn Việt Nam tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết: “Trong 2 năm qua xảy ra dịch Covid-19, người lao động không được tăng lương, sức chịu đựng của họ đã đến ngưỡng. Rất nhiều người lao động không đủ sống phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy chưa thực sự hài lòng về mức tăng lương tối thiểu năm 2022 được Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất là 6%, nhưng tôi nghĩ đó là mức tăng lương chấp nhận được, dù Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị mức tăng cao hơn”.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, hiện nay, phần lớn người lao động đang gặp khó khăn, một bộ phận khó khăn gay gắt, nên có tăng hơn 10% thì cũng khó bù đắp, giải quyết được căn cơ những khó khăn mà người lao động đang đối mặt. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp cũng đang còn nhiều yếu tố chưa thuận lợi, với tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, Công đoàn Việt Nam chấp nhận mức tăng này. Việc tăng lương cũng chính là việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước là “khoan sức dân” để giúp người lao động và doanh nghiệp cùng phục hồi phát triển với năng suất lao động cao.
Ở góc nhìn khác, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho rằng, thời gian tăng lương tối thiểu từ ngày 1-7-2022 là gấp gáp, sẽ có phần vất vả cho các doanh nghiệp bởi họ phải điều chỉnh lại phương án sản xuất, kinh doanh, điều chỉnh lại các chỉ số tăng trưởng. “Các đơn hàng của doanh nghiệp đã được chốt từ đầu năm 2022 đến ngày 31-12-2022, bây giờ tăng lương từ ngày 1-7-2022, doanh nghiệp phải điều chỉnh, tính toán lại chi phí... Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định phương án tăng lương tối thiểu, chúng tôi sẽ thông tin, trao đổi đầy đủ với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để có sự đồng thuận, hiểu trúng và hiểu đúng, cùng chia sẻ với người lao động, Chính phủ để duy trì được mức độ phục hồi và phát triển hơn nữa”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Tại phiên họp lần hai diễn ra ngày 12-4 vừa qua, sau khi cân nhắc các yếu tố để hài hòa lợi ích giữa các đối tượng bị tác động, 100% thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng ý tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2022 là 6%; 15/17 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022.