Trong đó, đáng chú ý một số lỗi vi phạm về giao thông đường bộ có mức xử phạt nặng hơn so với quy định hiện hành, như: Đón trả khách trên đường cao tốc, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy...

Thời gian qua, tai nạn giao thông trên cả nước liên tục được kéo giảm ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, đóng góp quan trọng vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung. Kết quả này có nguyên nhân từ công tác hoàn thiện quy định của pháp luật về lĩnh vực giao thông và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương.

Tăng mức phạt, tăng sức răn đe
Ảnh minh họa / TTXVN 

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, hậu quả của tai nạn giao thông gây ra với xã hội còn rất lớn; hầu hết tai nạn xảy ra xuất phát từ lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Việc tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi trực tiếp gây nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông là giải pháp cần thiết để tăng sức răn đe. Từ đó, góp phần ngăn ngừa việc tái diễn những vi phạm tương tự, giúp người dân chú ý hơn đến việc tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông.

Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính mà cần tăng cường xử lý hình sự với những hành vi nguy hiểm như phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu, bia, sử dụng ma túy khi tham gia giao thông. Chỉ như vậy mới ngăn chặn triệt để tai nạn giao thông, hạn chế uy hiếp đến tính mạng, sức khỏe con người. Đây cũng là vấn đề cơ quan chức năng cần nghiên cứu thấu đáo, có điều chỉnh kịp thời để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới.

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, cùng với tăng mức xử phạt, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cần được đẩy mạnh hơn nữa, thực hiện thường xuyên, liên tục. Vừa kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi gây nguy hiểm trên đường, vừa bảo đảm tính công bằng, công tâm của pháp luật; không bỏ sót, bỏ lọt vi phạm.

Hơn ai hết, lực lượng thực thi công vụ chính là những người cần nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, không thỏa hiệp với sai phạm, tạo dựng niềm tin của nhân dân, loại bỏ tình trạng“nhờn luật”, hành xử bất chấp quy định. Cùng với nêu cao đạo đức, tác phong công vụ, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong kiểm tra, giám sát cũng cần được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ. Đơn cử như việc lắp đặt hệ thống camera tự động ghi nhận hình ảnh, làm căn cứ để xử phạt “nguội” cần được nhân rộng, nhất là trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, địa bàn đông dân cư, mật độ phương tiện tham gia giao thông đông đúc, phức tạp.

Giải pháp này vừa giảm áp lực công việc cho lực lượng chức năng, vừa giám sát giao thông chặt chẽ, phòng ngừa tiêu cực, sách nhiễu.

Tăng nặng mức xử phạt tuy đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác bảo đảm an toàn giao thông nhưng cũng có giới hạn nhất định, khó bao quát hết thực tiễn đa dạng của hoạt động giao thông. Để xây dựng môi trường giao thông an toàn, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của người dân. Muốn vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cũng phải luôn được đề cao và không ngừng đổi mới.

Không chỉ phổ biến kiến thức, những quy định mới mà còn cảnh báo hậu quả bằng thông tin, hình ảnh trực quan, dễ nhớ, dễ tiếp nhận, có tính lan tỏa cao. Bên cạnh chú trọng tuyên truyền đối với người trực tiếp tham gia giao thông cũng cần hướng đến trẻ em đang ngồi trên ghế nhà trường, chủ nhân tương lai của đất nước. Từ đó, sớm hình thành ý thức tự giác, tạo nền tảng để xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn.

ĐỖ MẠNH HƯNG