Bất cứ biện pháp tăng thuế hay cải cách chính sách thuế đều nhằm tăng thu ngân sách song song với hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để tiếp tục đóng góp cho ngân sách. Đối với thuốc lá, vì là một trong những ngành công nghiệp đóng góp ngân sách lớn nhất cho cả nước, các động thái điều chỉnh thuế cần phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để tăng thu bền vững.

Theo chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt tháng 4-2022, các cơ quan quản lý sẽ xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ (TTĐB) đặc biệt với thuốc lá, bia, rượu. Điều này cũng phù hợp với định hướng trước đó của Chính phủ trong Quyết định 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, theo đó dự án thuế TTĐB sẽ được xem xét để đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật 2023-2025.

Cần số liệu thực tiễn

Về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng chủ trương tăng thuế TTĐB với thuốc lá là đúng đắn. Tuy nhiên, khi xây dựng thiết kế chính sách, Chính phủ cần đưa ra những con số thuyết phục, những công cụ để đo lường và chứng minh tính hiệu quả của chính sách để những chính sách đó thực sự đi vào cuộc sống. Chẳng hạn, Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần làm rõ các thông tin, nếu tăng như tính toán hiện nay thì tăng thu ngân sách từ các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp được bao nhiêu, thất thu ngân sách từ vấn nạn buôn lậu ở mức nào, số lượng người sẽ giảm hút thuốc lá ra sao, dự báo kinh doanh của ngành hàng chịu tác động, an sinh xã hội của những người dân ở vùng trồng, cung cấp nguyên liệu, những lao động trực tiếp cũng như gián tiếp ảnh hưởng thế nào… “Những số liệu thực tiễn này sẽ giúp chúng ta cân nhắc mức tăng và lộ trình như thế nào hợp lý, áp dụng thời điểm nào thì mang lại hiệu quả cao, đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa các lợi ích”, ông Doanh phân tích.

Tăng thuế thuốc lá: Tăng thu hay giảm thu là điều cần xác định trước ảnh 1

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt phải đi đôi với các giải pháp đồng bộ, trong đó có chống buôn lậu thuốc lá. Trong ảnh: Một vụ bắt thuốc lá lậu tại tỉnh An Giang.

PGS. TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, cho rằng khi cải cách chính sách thuế, cần xem xét đóng góp của các ngành công nghiệp lớn vào ngân sách Nhà nước trong bối cảnh doanh nghiệp thuốc lá, đồ uống có cồn… đang vất vả chống đỡ với các sản phẩm bất hợp pháp cũng như đang kiệt sức vì những tác động từ dịch bệnh. “Tỷ lệ trốn thuế thông qua các mặt hàng lậu này cần phải phân tích, đánh giá toàn diện, cụ thể để làm rõ nếu tăng thuế thì tỷ lệ này sẽ thay đổi, gia tăng như thế nào, mục tiêu bảo vệ sức khỏe có đạt được hay không hay người tiêu dùng lại chuyển qua dùng hàng nhập lậu? Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tính toán những tác động tiêu cực đối với việc tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước hay nhập khẩu hợp pháp, vì bảo vệ công ăn việc làm cho người dân, bảo vệ nền sản xuất trong nước và các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp là điều chúng ta cần đảm bảo khi triển khai bất kỳ chính sách mới nào”, ông Việt nhấn mạnh.

 

Sử dụng Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để chống thuốc lá lậu

Đồng tình rằng việc tăng thuế TTĐB với thuốc lá nên đưa vào chương trình xây dựng pháp luật 2023-2025, Luật sư Hà Thị Thanh, Đoàn luật sư tỉnh Hưng Yên, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, cũng lưu ý rằng việc tăng thuế có thể không giúp thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá theo hướng tích cực. “Tăng thuế có thể không giúp bảo vệ sức khỏe người dân như kỳ vọng, vì lúc đó người tiêu dùng sẽ cân nhắc khi phải trả một số tiền lớn hơn để sử dụng sản phẩm hợp pháp thường dùng và có thể sẽ có một bộ phận người tiêu dùng chuyển sang sử dụng hàng lậu với giá rẻ hơn”, bà Thanh phân tích. Hàng lậu có nguy cơ độc hại hơn vì thường không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có khả năng không được kiểm soát và không được đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe người dùng.

Tăng thuế thuốc lá: Tăng thu hay giảm thu là điều cần xác định trước ảnh 2

Các chuyên gia tại Hội thảo “Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và giải pháp” được tổ chức trong tháng 4-2022 đề xuất nên sử dụng một phần Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để chống thuốc lá lậu. Ảnh: Minh Toàn

Cũng theo bà Thanh, các nhà chức trách không nên chỉ nghĩ tới việc tăng thuế lên thật cao mà cũng cần phải cân nhắc tới những tác động không mong muốn khác từ việc tăng thuế này, như sẽ gia tăng việc buôn lậu thuốc lá; hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp hợp pháp sẽ giảm và dẫn đến đóng góp các loại thuế khác giảm, kéo theo đời sống nông dân vùng trồng nguyên liệu thuốc lá sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần có những giải pháp mang tính đồng bộ hơn, đặc biệt là cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về tác hại thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ các điểm bán cho người dưới 18 tuổi, hạn chế các khu vực công cộng được phép hút thuốc, tăng cường chống buôn lậu và nên xem xét sử dụng một phần Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để chống thuốc lá lậu vì tác hại của thuốc lá lậu đối với sức khỏe của người dân còn đáng quan ngại hơn do không được kiểm soát về mặt chất lượng hay hàm lượng Tar và Nicotine.

“Việt Nam đã có Luật Phòng chống tác hại thuốc lá từ năm 2012, quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng, kiểm soát nguồn cung cấp và các điều kiện đảm bảo để phòng chống tác hại của thuốc lá. Sau 10 năm triển khai thực hiện, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải có một báo cáo đánh giá, tiến hành rà soát toàn diện xem việc triển khai thực hiện đã triệt để và hiệu quả hay chưa và có giải pháp khắc phục, thay vì vội vàng, nhanh chóng đề xuất tăng thuế đối với mặt hàng này,” bà Thanh nêu đề xuất.