Kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ, Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và là cơ quan thực hiện. Trong trường hợp DN không có điều kiện tiêm chủng, Bộ sẽ chỉ đạo hệ thống tiêm chủng của nhà nước thực hiện.
Bộ đã rà soát lại tất cả các quy trình, thủ tục trong vấn đề về cấp phép và đánh giá kiểm định chất lượng. Ðối với các loại vắc-xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép, trong vòng năm ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và ủy quyền của nhà sản xuất, Hội đồng cấp phép về vắc-xin và sinh phẩm của Bộ Y tế (Hội đồng) sẽ tiến hành họp, thẩm định và cấp phép cho vắc-xin đó. Ðồng thời khi vắc-xin được nhập khẩu vào Việt Nam, trong vòng hai ngày, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ và ủy quyền của nhà sản xuất, Hội đồng sẽ thẩm định, rà soát lại toàn bộ hồ sơ và cho phép tiến hành xuất xưởng lô vắc-xin đó để có thể sử dụng theo quy định của WHO.
Thời gian qua, Công ty Vabiotech, đơn vị của Bộ Y tế, đã hợp tác với phía Nga, dự kiến đến tháng 7-2021 sẽ tiến hành đóng ống, gia công vắc-xin phòng Covid-19 của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng.
Bộ cũng lưu ý, các địa phương, tập đoàn, DN nên làm việc trực tiếp với nhà sản xuất vắc-xin, hoặc đơn vị được nhà sản xuất ủy quyền, không nên qua bên thứ ba, để tránh nguy cơ mua phải vắc-xin giả mạo hoặc bị lừa đảo, như tổ chức Interpol đã cảnh báo.
Bà Hồ Thị Kim Ngân Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp Ban Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kêu gọi, vận động các doanh nghiệp (DN) ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 của Chính phủ; chuẩn bị kinh phí để mua vắc-xin tiêm phòng cho công nhân, lao động (CNLÐ) của mình khi được phép; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông phát động nhắn tin ủng hộ Chương trình "Vắc-xin cho công nhân"; Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao động phát động Chương trình "Triệu liều vắc-xin cho công nhân nghèo".
Các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành T.Ư, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhất là tại các địa phương đang có CNLÐ mắc bệnh, đã chủ động trích kinh phí để kịp thời hỗ trợ khó khăn, mua trang thiết bị phòng, chống dịch, động viên CNLÐ phải nghỉ việc cách ly y tế, người lao động nghỉ việc, đang cư trú trong các khu phong tỏa.
Hiện Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chính quyền để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch bệnh; thương lượng với người sử dụng lao động để sắp xếp, bố trí các phương án lao động phù hợp; kiến nghị với các DN duy trì thu nhập, hỗ trợ tiền ăn cho các F1 phải cách ly tập trung, quan tâm CNLÐ ngoại tỉnh, lao động nữ mang thai, người lao động nuôi con nhỏ. Vận động DN tuyệt đối không chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc để bảo đảm ổn định quan hệ lao động trong thời gian xảy ra dịch.