Tạo sức hút cho lao động thất nghiệp học nghề25/03/2024 - 16:25:00
Theo quy định, khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động bị mất việc làm được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm trong thời gian chờ tìm việc mới, hoặc có thể lựa chọn quyền được hỗ trợ đào tạo nghề để có thể sớm tìm việc làm mới. Tuy nhiên, thực tế, đa số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp đều lựa chọn nhận tiền trợ cấp hàng tháng.
Đào tạo nghề tại trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Ảnh: Lan Hương. Lao động “ngại” học nghề Sau nhiều năm đi làm công nhân xa nhà, ở tuổi 40, anh Đàm Hữu Chính quyết định về quê (Quốc Oai, Hà Nội) lập nghiệp. Dù có dự định sẽ học nghề sửa chữa xe để tạo dựng công việc mới nhưng anh Chính vẫn quyết định nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thay vì đăng ký học nghề. Lý giải nguyên nhân, anh Chính thẳng thắn cho biết, nghề sửa chữa xe cũng có trong danh mục đào tạo lại nghề cho lao động thất nghiệp tuy nhiên mất thời gian đợi lâu, nếu đăng ký học nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (nơi giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp) thì mình không chủ động được nơi học cho thuận tiện. Vì vậy, tôi vẫn quyết định nhận trợ cấp thất nghiệp sau đó tự mình đăng ký học ở ngoài cho thuận tiện với hoàn cảnh của mình. Từ chối học nghề, nhận trợ cấp thất nghiệp đã trở thành câu chuyện khá phổ biến sau thời gian tạm lắng xuống nhờ công tác truyền thông, tuyên truyền, tuy nhiên theo thống kê của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho thấy, năm 2023 toàn thành phố chỉ có 534 người chọn học nghề trong tổng số 81.898 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bằng 0,65%. Nếu so với năm 2022, số người lựa chọn học nghề giảm 54,71%. Còn những tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng cũng chỉ có gần 50 người lựa chọn học nghề trong tổng số khoảng 5.000 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, trong những năm qua, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố có rất nhiều cố gắng; song trong tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn thì lao động việc làm vẫn là vấn đề nóng, cần tập trung nhiều giải pháp căn cơ để giải quyết. Và trong 3 năm qua, việc giải quyết thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng tăng dần về số người nộp hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Năm 2021 Hà Nội giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho trên 63.000 người, đến năm 2022 đã lên tới trên 72.000 người và năm 2023 là trên 85.000 người. “Số người lao động nộp hồ sơ và hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng lên nhưng số người hưởng chính sách về đào tạo nghề hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới thì lại có xu hướng giảm và đặc biệt là năm 2023 giảm rất sâu” - ông Nam thông tin. Tăng sức hút đào tạo nghề Rõ ràng để chính sách đào tạo, hỗ trợ, duy trì việc làm cho người lao động thực sự phát huy hiệu quả, việc đào tạo cần dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động, kết hợp với các cơ sở đào tạo, đào tạo chuyển đổi, cũng như tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chặt chẽ hơn. Thực tế, hiện nhiều đơn vị đào tạo nghề cũng đã đổi mới việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho nhóm lao động đặc thù này theo hướng không chờ đủ số lượng học viên mới mở lớp, thay vào đó, người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp được sắp xếp học từng phần tại các lớp sẵn có. Trong quá trình học, họ được ưu tiên đi thực hành tại doanh nghiệp, giới thiệu việc làm. Chẳng hạn, tại Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Hiệu trưởng Tạ Văn Xã cho biết, với nhiều ngành nghề, nhất là các nghề cơ khí, nhà trường bảo đảm 100% học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Những người có nhu cầu ra nước ngoài làm việc cũng sẽ được nhà trường kết nối. Ngoài sự đổi mới, liên kết để nâng chất lượng đào tạo nghề, theo các chuyên gia, để thu hút lao động thất nghiệp đăng ký học nghề thay vì hưởng trợ cấp thất nghiệp các chính sách cần phải thông thoáng, linh hoạt hơn. Bởi đa phần lao động thất nghiệp ở độ tuổi từ 30 đến 35 nên có tâm lý ngại học nghề vì thế nếu việc đào tạo nghề không linh hoạt, thông thoáng về thủ tục rất khó có thể thu hút được lao động. Nhận thấy việc hỗ trợ học nghề là một trong những nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giúp người lao động chuyển đổi mục đích nghề nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động, Bộ LĐTBXH đã có quy định cho phép người lao động được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác nơi ban hành hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại nơi ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp mà đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác thì trung tâm dịch vụ việc làm, nơi người lao động được hỗ trợ học nghề gửi 1 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Những người thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho rằng, quy định này sẽ tạo nhiều cơ hội cho người lao động tham gia học nghề, giúp chuyển đổi nghề nghiệp, cũng như thay đổi địa bàn làm việc. Thực tế, có những người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp ở quê nhưng muốn được hỗ trợ học nghề ở thành phố nơi có nhiều ngành nghề phát triển, nhiều cơ sở đào tạo nghề có chất lượng hơn và dễ tìm kiếm việc làm hơn. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|