Thách thức giảm nghèo bền vững23/11/2023 - 16:17:00 Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), kết quả giảm nghèo nhanh nhưng thiếu tính bền vững. Nhiều hộ gia đình có thể trở lại diện nghèo sau một biến cố như thiên tai, địch họa, đau ốm, mất nhà...
Đời sống người nghèo được nâng lên Báo cáo của Văn phòng quốc gia về giảm nghèo sơ kết 3 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững cho biết, từ năm 2021 đến nay đã phân bổ 48.000 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương (vốn đầu tư phát triển 20.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 28.000 tỷ đồng). Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt phân bổ 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021- 2025; phân bổ vốn đầu tư phát triển và sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2021, năm 2022, năm 2023. Với nguồn vốn này hỗ trợ người nghèo, người dân ở vùng khó khăn đã tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; góp phần giảm nghèo bền vững. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực hiện đầu tư trên 1.684 công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... tại 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo góp phần phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tạo liên kết vùng phục vụ dân sinh. Hỗ trợ trên 1.600 dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo với trên 14.496 hộ tham gia… Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Dự báo cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 0,9%, giảm bình quân khoảng 1,08%/năm. Tập trung nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo Cùng với chính sách vì người nghèo, nhiều chính sách an sinh xã hội khác cũng được thực hiện tốt. Theo Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam Đặng Văn Thanh, trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách đảm bảo để các nhóm dễ bị tổn thương cũng được thụ hưởng các thành tựu kinh tế - xã hội một cách công bằng như mọi người dân. Nhiều chương trình hành động cấp quốc gia được ban hành và thực hiện bao trùm, bao gồm chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, chương trình hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, chương trình bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030… “Những chính sách này đã và đang góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của các nhóm dễ bị tổn thương từ đó góp phần triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững” - ông Thanh đánh giá. Mặc dù vậy, Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng kết quả giảm nghèo tuy đạt mục tiêu nhưng chưa bền vững. Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo bền vững… Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nói, nhiều hộ gia đình có thể trở lại diện nghèo sau một biến cố như thiên tai, địch họa, đau ốm, mất nhà... Chương trình giảm nghèo giai đoạn này dù đã bước sang năm thứ 3 nhưng nhiều khâu, nhiều việc còn chậm, trì trệ, tư tưởng trông chờ vào nhà nước còn phổ biến, cấp trên thúc làm mà cấp dưới chần chừ, e sợ. “Để thực hiện giảm nghèo bền vững đặc biệt ở những vùng lõi nghèo, các địa phương cần quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, nhất là y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn tại các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|