Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế Thái Lan sẽ bắt đầu tiêm chủng ngừa COVID-19 đại trà cho người dân vào khoảng giữa tháng 5/2021 khi lô vaccine AstraZeneca đầu tiên được sản xuất trong nước xuất xưởng.
Thư ký thường trực Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit cho biết Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu 50%-60% dân số được tiêm chủng càng sớm càng tốt để kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả.
Theo quan chức này, Bộ Y tế cũng sẽ mở rộng các đơn vị tiêm chủng bằng cách hợp tác với khu vực tư nhân để triển khai các điểm tiêm vaccine tại những trung tâm mua sắm hoặc các cửa hàng hiện đại khác. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao số lượng người được tiêm chủng mỗi ngày so với tỷ lệ hiện tại là 500 người/ngày ở mỗi bệnh viện.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu cho tới tháng 8, nhà máy của công ty Siam Bioscience tại Thái Lan sẽ cung cấp 26 triệu liều vaccine AstraZeneca và 35 triệu liều khác từ tháng 9 đến tháng 12. Ngoài AstraZeneca, Thái Lan cũng đã mua 2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ công ty Sinovac (Trung Quốc) và dự định mua thêm 5 triệu liều nữa từ tháng 4 đến tháng 6.
Chính phủ Thái Lan khẳng định không cấm khu vực tư nhân nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19, miễn là những vaccine này phải được được đăng ký với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Thái Lan. Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 28/2, ưu tiên dành cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao là các chuyên gia y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Để chuẩn bị cho việc tiêm chủng đại trà, Chính phủ Thái Lan đã lập 4 kênh để người dân đăng ký tiêm phòng, gồm tài khoản chính thức Mor Phrom (Bác sỹ sẵn sàng) trên nền tảng mạng xã hội Line; ứng dụng Mor Phrom trên điện thoại di động (sẽ sẵn sàng để tải xuống vào ngày 1/5 ban đầu trên điện thoại Android); tại bệnh viện qua điện thoại; hoặc các tình nguyện viên y tế công cộng trên toàn quốc.
Những người đã được tiêm chủng sẽ nhận được cả chứng chỉ giấy và chứng chỉ kỹ thuật số (dưới dạng mã QR) để có thể sử dụng cho việc xác minh tiêm chủng. Bộ Y tế Thái Lan hy vọng sẽ có hộ chiếu vaccine cho đi lại quốc tế vào tháng 6 tới, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoàn thiện các tiêu chí quan trọng.
Tính đến ngày 13/4, đã có 42/77 tỉnh của Thái Lan áp đặt biện pháp tự cách ly hoặc những yêu cầu khác đối với người ngoại tỉnh để phòng chống COVID-19, trong khi làn sóng dịch thứ 3 xuất phát từ các địa điểm giải trí ban đêm ở khu vực Thong Lor của thủ đô Bangkok đã lây lan ra 74 tỉnh của nước này. Kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên đến ngày 13/4 Thái Lan đã có tổng cộng 34.575 ca bệnh, trong đó có 97 trường hợp tử vong./
Trong ngày 14/4, Thái Lan xác nhận thêm 1.335 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 35.910, trong đó có 97 ca tử vong. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới theo ngày tại Thái Lan vượt ngưỡng 1.000 ca kể từ khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 bùng phát tại nước này. Các ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ qua chủ yếu ở thủ đô Bangkok (351 ca), tiếp theo là các tỉnh Chiang Mai (319 ca) và Prachuap Khiri Khan (161 ca).
Trong khi đó, Phó phát ngôn viên Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan Sirikul Kritphittayaboon xác nhận cho đến nay đã có 252 nhân viên cảnh sát được ghi nhận mắc COVID-19 và trên 1.561 cảnh sát đang được cách ly do tiếp xúc gần với những đồng nghiệp mắc bệnh. Bà Sirikul cho biết cảnh sát đang áp dụng phương pháp làm việc tại nhà theo đề xuất của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Ông Prayut trước đó đã thúc giục tất cả các cơ quan chính phủ tổ chức làm việc và họp trực tuyến cho đến ngày 30/4 nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19./.