Thanh Hà chủ động giám sát và phát triển mã số vùng trồng vải xuất khẩu14/03/2023 - 10:48:00 Thiết lập, cấp mã số cho vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của nước nhập khẩu. Để đảm bảo các quy định này, ngay từ đầu vụ vải năm 2023, cơ quan quản lý và nông dân ở các vùng được cấp mã số của huyện Thanh Hà đã chủ động phối hợp thực hiện tốt quy trình trồng và coi đây là "tấm vé thông hành” cho xuất khẩu vải ra thị trường quốc tế.
Huyện Thanh Hà có gần 200 mã số vùng trồng vải với diện tích trên 1000ha. Để các vùng trồng đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu của từng nước nhập khẩu, ngay từ thời điểm vải ra hoa, cơ quan chuyên môn và các tổ sản xuất đã tăng cường bám vườn để giám sát, quản lý các vùng trồng và hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình theo tiêu chuẩn của từng thị trường. Nhất là đối với thị trường Trung Quốc, nước nhập khẩu vải quả lớn nhất của Việt Nam Tại xã Thanh Sơn, những ngày này cán bộ của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thường xuyên xuống các vùng trồng vải xuất khẩu để giám sát và hướng dẫn nông dân biện pháp chăm sóc. Đặc biệt, tuân thủ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, dọn vệ sinh vườn để quản lý sinh vật hại, thực hiện ghi sổ nhật ký quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng dẫn. Đồng thời, cập nhật và tuyên truyền kịp thời các văn bản chỉ đạo trong sản xuất vải xuất khẩu của cơ quan chuyên môn tới người trồng vải. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, niên vụ vải năm nay toàn tỉnh có gần 8.900ha. Trong đó, huyện Thanh Hà có hơn 3.200ha, thành phố Chí Linh có hơn 3.400ha. Thời tiết năm nay thuận lợi đã tạo điều kiện cho các diện tích vải trên địa bàn tỉnh ra hoa đạt tới 95%. Hi vọng rằng, với sự vào cuộc tích cực trong chỉ đạo sản xuất, việc tuân thủ các yêu cầu của hộ trồng vải, vụ vải năm nay Hải Dương sẽ tiếp tục giành thắng lợi ở thị trường xuất khẩu. Trần Hùng
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|