Báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ nửa cuối tháng 3/2023 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 28/3 đạt 2,06% so với cuối năm 2022, không cao so với thời điểm tăng của cùng kỳ năm ngoái. Điều này xuất phát từ tình hình khó khăn tại nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp chững lại. Cầu tín dụng nền kinh tế suy giảm, dẫn đến hệ thống ngân hàng khó đẩy tín dụng cao mặc dù thanh khoản dư thừa lớn.
Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã giảm 0,5% - 1,5% ở tất cả các kỳ hạn khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi. |
Để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần liên tiếp hạ lãi suất điều hành trong tháng 3. Tuần trước, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, một loạt lãi suất điều hành sẽ giảm 0,3 - 0,5% bắt đầu từ 3/4. Trong đó, lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5%; lãi suất cho vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng cho một số lĩnh vực giảm 0,5%.
Khảo sát của Bloomberg cho thấy, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đang giao dịch ở mức 1%/năm, giảm mạnh từ mức 5,2% của cuối tháng trước, mặt bằng lãi suất đã quay trở lại mức của tháng 7/2022. Lãi suất của các kỳ hạn khác cũng ở quanh mức 1,82% - 4,06%, giảm mạnh so với mức cuối tháng 2. Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã giảm 0,5% - 1,5% ở tất cả các kỳ hạn khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi.
Hiện tại lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng đang được các ngân hàng áp dụng là 0,5%/năm và lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng được các ngân hàng giảm về mức 5,5%/năm.
Báo cáo của MBS cũng cho biết, tình trạng thanh khoản dồi dào tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước dừng hút tiền qua tín phiếu và cũng giảm khối lượng tiền bơm vào hệ thống. Trong nửa cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước chỉ bơm thêm gần 640 tỷ đồng qua kênh thị trường mở với lãi suất 5,5%/năm, kỳ hạn 28 ngày./.