Thanh pho Ho Chi Minh: Siet chat gian cach xa hoi, han che luu thong hinh anh 1Đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn qua Quận 3 vắng vẻ trong ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Bắt đầu từ 18 giờ ngày 26/7, Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt kiểm tra các trường hợp ra đường không cần thiết, hệ thống kinh doanh hàng hóa cũng thực hiện đóng cửa sau thời gian này.

Nhiều chốt kiểm soát tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã được tăng cường nhằm bảo đảm, xử lý các trường hợp không chấp hành nghiêm các quy định trên.

Theo ghi nhận thực tế trong đêm 26/7 và sáng 27/7 của phóng viên TTXVN, người dân thành phố đã chấp hành nghiêm các quy định này, tuy nhiên vẫn còn một số tuyến đường khu vực cửa ngõ, ngoại thành còn tình trạng lưu thông không cần thiết, bị các lực lượng chức năng xử lý theo quy định.

Xử phạt nghiêm trường hợp ra đường không có lý do chính đáng

Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện tổ chức các trạm, chốt để ngăn cách và tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ tại các tuyến đường liên phường và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, tạm giữ hành chính các trường hợp chống người thi hành công vụ.

Đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị điều tra, xem xét xử lý hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, nhìn chung sau 18 giờ ngày 26/7, người dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp hành tốt, đường xá vắng vẻ, còn một số ít trường hợp vi phạm.

Đơn cử trên địa bàn quận Phú Nhuận và quận Gò Vấp vẫn còn một số người dân ra đường không có lý do chính đáng. Cơ quan chức năng đã kiên quyết lập biên bản xử phạt với mức phạt từ 1-3 triệu đồng/trường hợp.

Lực lượng chức năng, trong đó Công an là nòng cốt không chỉ thực hiện việc kiểm soát tại các chốt mà sẽ tăng cường tuần tra thường xuyên, liên tục tại tất cả các tuyến đường, ngõ hẻm.

Thượng tá Phan Đức Tuấn, Phó Trưởng Công an quận Phú Nhuận cho biết: “Ngay từ 18 giờ ngày 26/7, chúng tôi đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về lưu thông của Ủy ban nhân dân Thành phố. Ngoài ra, Công an quận Phú Nhuận cũng huy động các loa tuyên truyền tại các hẻm.”

Trong sáng 27/7, mật độ lưu thông vẫn còn khá đông trên một số tuyến đường đi vào trung tâm Thành phố như Trường Chinh, Cộng Hòa (quận Tân Bình), Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), Nguyễn Tất Thành (Quận 4); trong khi đó, các tuyến đường thuộc khu vực trung tâm như Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn… thưa vắng.

Trước đó ghi nhận vào ngày 25-26/7, Đội Cảnh sát giao thông-trật tự, Công an Quận 1 đã xử lý nhiều người dân ra đường không phải trường hợp thiết yếu.

Điển hình như tổ công tác đã lập biên bản xử phạt đối với anh N.V.N. - nhân viên giao hàng của một công ty điện máy. Thời điểm kiểm tra, anh N.V.N đang trên đường chở tủ lạnh, tivi đi giao cho khách.

Theo đại diện tổ công tác, hàng điện tử không thuộc danh mục thiết yếu nên việc anh N. vận chuyển trên đường là vi phạm, công ty điện máy phải có trách nhiệm với người lao động của mình.

Theo Thiếu tá Đinh Tiến Dũng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông-trật tự Công an Quận 1, ngoài các chốt kiểm soát dịch, Công an Quận 1 còn bố trí lực lượng tuần tra lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Chỉ thị 16.

"Sau tuyên truyền, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp ra đường khi không chính đáng. Trong những ngày qua, các lực lượng tuyến đầu chống dịch đã rất vất vả, mong người dân hãy chấp hành nghiêm quy định giãn cách để góp phần phòng, chống dịch hiệu quả hơn" - Thiếu tá Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Trước đó, trong 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 9-24/7), tại 12 chốt kiểm soát ở cửa ngõ ra vào Thành phố Hồ Chí Minh, các lực lượng chức năng Thành phố đã tiến hành tổng kiểm soát hơn 1,4 triệu lượt phương tiện các loại, kiểm tra hơn 1,3 triệu lượt người; lập biên bản xử phạt vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 với hơn 4.900 trường hợp, tổng số tiền xử phạt hơn 10,4 tỷ đồng.

Thực hiện tiếp Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 12 của Thành ủy và Công văn 2468 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 26/7 Công an thành phố phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố ra quân tuần tra, kiểm soát nhằm tăng cường các biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường.

Hạn chế tối mật độ lưu thông trên đường

Bên cạnh các nội dung đã quy định, để thực hiện triệt để hơn nữa việc giảm mật độ lưu thông trên đường, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người dân trên địa bàn Thành phố hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ hằng ngày, thời gian thực hiện từ ngày 26/7 đến hết ngày 1/8/2021, trừ các trường hợp cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Thanh pho Ho Chi Minh: Siet chat gian cach xa hoi, han che luu thong hinh anh 2Công an lập biên bản xử phạt một trường hợp ra đường không cần thiết sau 18 giờ. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Các trường hợp khác không bị hạn chế tối đa ra đường gồm cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn Thành phố, bao gồm cả công tác phát hành báo; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.

Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phương tiện đưa, đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường-2 điểm đến,” phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất hàng loạt.

Các cửa hàng bán lẻ hàng đầu ở 12 cửa ngõ chính của Thành phố. Đối với việc đi mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, các địa phương phát phiếu theo hộ gia đình theo ngày chẵn-lẻ chia khung giờ.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian Thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Thủ trưởng các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật khẩn trương chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi tham gia lưu thông trên đường, phải mang thẻ ngành nơi đơn vị công tác, mặc đồng phục (nếu có), giấy phân công, lệnh điều động hoặc các giấy tờ có liên quan đến công tác để thuận lợi trong công tác nhận diện, kiểm tra và xác minh của lực lượng chức năng trên đường.

Sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông không đúng quy định; đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động của các đơn vị công ích thực hiện công tác tuần tra, vệ sinh công cộng, duy tu các lĩnh vực giao thông đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động lưu thông trên địa bàn, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đã điều động 450 cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn Gia Định và Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 31 tăng cường về Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện để phối hợp với lực lượng Công an Thành phố triển khai công tác tuần tra, chốt chặn, kiểm soát trên địa bàn các quận, huyện.

Đồng thời, 2 đơn vị phối hợp triển khai 4 tổ tuần tra, kiểm soát lưu động trên địa bàn Thành phố để kiểm tra và xử lý, các trường hợp vi phạm quy định về giãn cách xã hội; phối hợp, hỗ trợ các lực lượng Công an địa phương trong phát hiện, ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu lực lượng công an, quân sự, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ và phải tái kiểm tra thường xuyên việc chấp hành quy định tại khu dân cư, trên đường phố và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí tạm giữ hành chính trong trường hợp chống đối người thi hành công vụ.

Đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. 

“Thành phố sẽ xử lý thật nghiêm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nếu có thái độ thờ ơ, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chậm trễ giải quyết phản ánh của người dân, dẫn đến dịch bệnh lây lan tại đơn vị, địa phương do mình quản lý. Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải gương mẫu chấp hành quy định phòng, chống dịch, nếu vi phạm sẽ xem xét xử lý kỷ luật” - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh./.