Dịch bệnh COVID-19 không chỉ làm ảnh hưởng tới đời sống xã hội mà còn làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng, thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, gia tăng rủi ro tài chính đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm. Làn sóng phá sản doanh nghiệp đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, với ước tính tỷ lệ doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh toán sẽ tăng tới 35% trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021.

 Triển khai chính sách hỗ trợ linh hoạt và hiệu quả cho các doanh nghiệp (Ảnh: HNV)

Theo thống kê ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trung bình cứ 3 doanh nghiệp trên thế giới thì có 1 doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán. Kéo theo đó là làn sóng mất việc làm của người lao động. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, COVID-19 đã khiến cho mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 và 10 tháng 2021 ở mức thấp nhất và cũng là năm mà số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục, vượt ngưỡng 100 ngàn doanh nghiệp.

Mặc dầu vậy, thời gian qua, Việt Nam cũng ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp để vượt lên hoàn cảnh khó khăn và quả thực, chúng ta đã phát hiện ra rằng khả năng chống chịu kiên cường đang trở thành một năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp cũng đã thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều qua đại dịch. Doanh nghiệp phải suy ngẫm lại chiến lược, phải tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng Việt, đồng thời với việc đa dạng hoá thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng… Các sáng kiến trong ứng phó với COVID-19 đã được các doanh nghiệp thực hiện. Quá trình chuyển đổi số cũng từng bước được triển khai. Đó là những bài học và trải nghiệm vô giá từ COVID-19.

Có được những kết quả đó, ngoài sự chủ động tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, có vai trò cổ vũ và yểm trợ của Nhà nước. Để khắc phục hậu quả từ dịch COVID-19, nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn bao gồm: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng; chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng. Chính phủ cũng đẩy mạnh các chương trình giải ngân vốn đầu tư công, tạo cú hích cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế TNDN cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trọng điểm chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Có thể nói đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam.

Trong đó, các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh COVID-19 được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Còn việc vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.

Có thể nói, việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng kinh doanh.

Thực tế, suốt thời gian qua. Chính phủ cũng đã và đang chứng minh bằng hành động quyết liệt và kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19 dù ngân sách trung ương eo hẹp. Tuy vậy, các chính sách ban hành để đáp ứng với “trạng thái khẩn cấp” đã bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh đề phù hợp với “trạng thái bình thường mới”. Hiện nay, chúng ta đang đón chờ kế hoạch phục hồi sắp tới sẽ được Quốc hội xem xét để có những giải pháp hỗ trợ bổ sung cùng với kế hoạch hành động của năm 2022 vừa được Quốc hội thông qua mới đây.

Liên quan tới vấn đề này, kết quả khảo sát của VCCI mới đây cũng chỉ ra, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương cần phổ biến rộng rãi hơn thông tin về các chính sách hỗ trợ, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính, đơn giản hoá các tiêu chí, điều kiện tiếp cận cũng như đảm bảo công bằng giữa các đối tượng trong diện được hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp mong muốn chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi – đây sẽ là hỗ trợ quan trọng cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19.

Thiết nghĩ, vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay vẫn là sự quyết tâm đã có, điều quan trọng là thống nhất, đồng lòng trong toàn hệ thống, từ Trung ương xuống cơ sở với việc phối kết hợp chặt chẽ để đưa các kiến nghị tổng hợp từ thực tế thực thi của các cấp chính quyền địa phương trở nên hiệu quả; từng bước gỡ bỏ các vướng mắc thực tế khi tiếp cận các gói hỗ trợ từ doanh nghiệp cũng như phát huy đúng và đủ vai trò của các phương tiện truyền thông, báo chí nhằm chung tay tuyên truyền, hỗ trợ quá trình triển khai chính sách mới…

Bên cạnh đó, hơn lúc nào hết là sự chủ động và linh hoạt từ bản thân các doanh nghiệp với các đổi mới đáp ứng nhu cầu mới với các ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số mạnh mẽ để tận dụng tối đa cơ hội từ cách mạng công nghệ 4.0 “bứt phá” vươn lên trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay./.

 
Lê Anh