Trong phiên làm việc sáng, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Tại đây, lần đầu tiên các đại biểu được xem video clip về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; qua đó thể hiện tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, để triển khai Luật Quy hoạch, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Trên cơ sở kết quả giám sát, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. Về các giải pháp cần triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc, được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.
Phát biểu ý kiến sáng 30/5, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng vì muốn có dự án tốt, có nguồn đầu tư tốt, sử dụng hiệu quả đầu tư công và phát triển kinh tế - xã hội phải có quy hoạch tốt, quy hoạch phải đi trước một bước. Việc thực hiện tốt công tác quy hoạch cũng nhằm cụ thể hóa một bước Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Luật Quy hoạch năm 2017.
Để hoàn thiện hơn báo cáo giám sát công tác quy hoạch, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Công tác quy hoạch muốn thực hiện tốt phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới, bám sát Luật Quy hoạch và các quy định pháp luật có liên quan.
Quá trình lập quy hoạch phải bám sát thực tiễn, đánh giá được tiềm năng, lợi thế nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng bộ, ngành và địa phương đồng thời phải đánh giá toàn diện, đầy đủ những khó khăn, thách thức của ngành, địa phương, đơn vị mình, từ đó có quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp. Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và các nguồn lực khác cho công tác này...
Bày tỏ sự thống nhất cao với Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị, các cơ quan Trung ương có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sự phù hợp giữa các quy hoạch, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị. Về đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị, đại biểu cho rằng, hiện nay thời hạn lập các quy hoạch này khác nhau.
Việc lập quy hoạch đô thị căn cứ trên hiện trạng và yêu cầu phát triển của thành phố, quy hoạch sử dụng đất khi lập sẽ dựa trên cơ sở quy hoạch đô thị để đảm bảo sự đồng bộ. Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn nội dung mang tính chất khung của quy hoạch cấp trên để quy hoạch cấp dưới, quy hoạch cấp tỉnh tuân thủ, đồng thời có hướng dẫn xây dựng nội dung tích hợp trong quy hoạch tỉnh để các địa phương triển khai thực hiện đúng hướng, hạn chế việc chỉnh sửa nhiều lần trong quá trình lấy ý kiến thẩm định các bộ, ngành đối với quy hoạch.
Chiều 30/5, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, các quy định về điều kiện năng lực, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn và công khai danh mục kèm theo của các công trình còn chưa được ban hành đầy đủ; khâu tổ chức tư vấn lập quy hoạch ở các địa phương vẫn còn hạn chế do chưa có văn bản hướng dẫn để đảm bảo có căn cứ lựa chọn phù hợp với từng loại quy hoạch, quy định về định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với từng loại quy hoạch làm cơ sở cho việc lập và quản lý chi phí lập quy hoạch…
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các quy định về điều kiện năng lực, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn và công khai danh mục kèm theo năng lực các tổ chức tư vấn lập quy hoạch để các địa phương có căn cứ lựa chọn phù hợp với từng loại quy hoạch, đồng thời ban hành đầy đủ các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với từng loại quy hoạch làm cơ sở cho việc quản lý kinh phí lập quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng, trước một vấn đề mới, khó, phức tạp trong một thời gian rất ngắn lại chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch COVID-19, thông qua việc nghiên cứu một khối lượng lớn tài liệu và tổ chức hơn 30 cuộc làm việc với các cơ quan liên quan, Đoàn giám sát đã hoàn thành Dự thảo báo cáo phản ánh khá toàn diện, đầy đủ thực trạng tình hình về công tác quy hoạch hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Đoàn giám sát kỳ này chưa có đủ thời gian và cơ sở để đánh giá được chất lượng của các quy hoạch đã được phê duyệt để làm căn cứ đề xuất các giải pháp cụ thể hơn, giúp các quy hoạch chưa được phê duyệt, nâng cao chất lượng kế hoạch trong thời gian tới. Để đảm bảo chất lượng các kế hoạch, đại biểu đề nghị cần có nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện hơn về kinh nghiệm quốc tế đối với việc xây dựng hệ thống quy hoạch, phương pháp lập và triển khai các loại quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch với nhau, đặc biệt là có đánh giá cụ thể về thành công, hạn chế và bài học kinh nghiệm của các nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam.
Giải trình về ý kiến của đại biểu Đặng Mỹ Hương (Ninh Thuận) và đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) về bỏ quy hoạch địa điểm xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết cấp có thẩm quyền đã cho chủ trương và Quốc hội đã biểu quyết nghị quyết về tạm dừng xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận. Như vậy, nghị quyết là tạm dừng chứ không phải hủy bỏ. Cho nên về nguyên tắc, chưa có cơ sở để bỏ quy hoạch điện hạt nhân. Mặt khác, theo Bộ trưởng, địa điểm này đã được các đối tác, ngành Công Thương cùng các ngành có liên quan đã nghiên cứu rất kỹ và khẳng định Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất cho việc phát triển điện hạt nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, vấn đề điện hạt nhân là vấn đề hệ trọng, chỉ cấp có thẩm quyền mới có thể quyết định được. Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao rằng hiện thế giới đã phải quay lại để phát triển điện hạt nhân, nhằm thực hiện các cam kết ở Hội nghị Các bên tham gia công ước Khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 về phát triển năng lượng sạch. Theo đó, để khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như Mặt trời và năng lượng gió, cần có một hệ thống điện nền ổn định. Điện nền ở Việt Nam hiện nay chỉ có thể là nhiệt điện than hoặc thủy điện. Nhiệt điện than đã không còn điều kiện để phát triển, thủy điện cũng hết dư địa phát triển, do đó xu hướng tất yếu, đến một lúc nào đó phải tính đến điện hạt nhân.
Thay mặt cho cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng tình, đánh giá cao việc Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề về việc thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, để giám sát tối cao trong năm 2022. Theo Bộ trưởng, đây là một quyết định đúng đắn, sát thực tiễn, kịp thời và cũng là một sự đổi mới trong công tác giám sát của Quốc hội khóa XV; thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề khó, vấn đề mới, vấn đề phức tạp, giúp cho công tác điều hành của Chính phủ thuận lợi hơn. Đối với công tác quy hoạch đó là đẩy nhanh công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Để đẩy nhanh, nâng cao chất lượng lập quy hoạch thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận trách nhiệm tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo những bộ, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, trước mắt cần khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Về các giải pháp trong trung và dài hạn, Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.