Tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế04/05/2022 - 22:55:00 Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, kinh tế Việt Nam quý I/2022 có dấu hiệu khởi sắc. Bàn về vấn đề phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, nhiều chuyên gia cho rằng cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc về logistics, khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 tổ chức vào đầu tháng 12/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Việt Nam không phát triển bằng mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng tác động đến tăng trưởng để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời những giải pháp ngắn hạn và trung hạn thì phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững, không chỉ có vấn đề về kinh tế, mà cả vấn đề về xã hội, về môi trường và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đầu năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức một Kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách về phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện chịu tác động mạnh của dịch COVID-19. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết xác định quan điểm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài. Nghị quyết này đã thể hiện nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, đem lại cho cử tri niềm tin vào mục tiêu phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; phòng chống hiệu quả dịch COVID-19 gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, quý I/2022, tăng trưởng GDP nước ta đạt hơn 5%, đây là mức cao nhất của quý I trong 3 năm qua kể từ khi nền kinh tế chịu tác động lớn của dịch Covid-19. Đó là những tín hiệu rất tích cực phục hồi kinh tế đầu năm. Nhưng với độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới hiện nay, nền kinh tế Việt Nam sẽ chống chịu như thế nào với những cú sốc kinh tế từ bên ngoài như dịch bệnh, xung đột, giá cả, lạm phát… là câu hỏi nhiều chuyên gia đang rất quan tâm. Đánh giá về triển vọng kinh tế thế giới tác động đến bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022, báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nêu quan điểm, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ giảm tốc từ 5,5% năm 2021 xuống còn 4,1% năm 2022, nguồn cung bị gián đoạn kéo dài, kéo theo tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ tiếp tục chậm hơn nữa trong năm 2023. Thậm chí, tăng trưởng của các nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs) dự kiến sẽ chậm lại từ 6,3% năm 2021 xuống còn 4,6% năm 2022; một số nền kinh tế nhỏ dựa vào du lịch, tăng trưởng năm nay dự kiến còn thấp hơn mức của năm 2019. Trước tình hình này, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng cần kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất, kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, các địa phương với nhau, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam. Để vượt qua những thách thức rất lớn này, cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc về logistics, khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu. Quan tâm đến vấn đề này, TS.Nguyễn Đình Cung - Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, hiện nay, những rủi ro của thị trường tài chính, cùng với lạm phát đang phả sức nóng hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn kinh tế. Điều này buộc chính phủ ngoài phục hồi tăng trưởng phải chú ý nhiều hơn đến việc thắt chặt tiền tệ. Việt Nam đang thực hiện duy trì chính sách tiền tệ và tài khoá mở rộng để phục hồi kinh tế, tuy nhiên dư địa cho 2 chính sách này dần hạn chế.
TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Theo TS.Nguyễn Đình Cung, trong bối cảnh này kiểm soát về dịch vụ trong phạm vi quản lý của nhà nước rất quan trong như xăng dầu, giá dịch vụ giáo dục, y tế, điện… việc điều chỉnh các mặt hàng chiến lược này ngoài bảo đảm theo yêu cầu, lộ trình thị trường, giảm sức ép lên ngân sách nhà nước mà còn cần đảm bảo cân nhắc an toàn cho động lực tăng trưởng. TS.Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, chính sách tài khóa có thể giữ nguyên nhưng chính sách tiền tệ phải thắt chặt hơn, gói trợ cấp 2% lãi suất đối với gói cung tiền sẽ phải thu hẹp lại. Để đạt tăng trưởng theo kỳ vọng, TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng Chính phủ phải có những chính sách, những nỗ lực thực thi cải cách tốt hơn, gấp gáp hơn, mạnh mẽ hơn, cần có sự cải cách toàn diện và thực chất, thay đổi từ trong cách thiết kế và tổ chức thực hiện, không chỉ đưa ra những giải pháp mang tính kỹ thuật và riêng lẻ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, và đã có những ý kiến đề xuất thay đổi về biện pháp giải phóng mặt bằng, tuy nhiên vấn đề nằm ở từng dự án chứ không hẳn là vấn đề thể chế. Cho rằng một trong những động lực để thúc đẩy là tạo áp lực, tạo động lực nội sinh, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ sự chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, kết hợp với việc đánh giá thường xuyên và độc lập về kết quả thực hiện, sẽ tạo ra áp lực bên ngoài thúc đẩy tiến độ và năng lực thực thi của các cấp, các ngành. Bên cạnh đầu tư công, TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, những động lực chính cho tăng trưởng vẫn là xuất khẩu và thúc đẩy tổng cầu. Tổng cầu nền kinh tế có tăng lên nhưng chưa đủ mức cao như những năm trước, đó là lý do giải thích lạm phát cao nhưng chỉ số CPI vẫn thấp. Đặc biệt, để có thể thay đổi sức ì và động viên được sự sáng tạo, đột phá trong việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TS.Nguyễn Đình Cung nhận định, về trung và ngắn hạn cần nhìn thấy cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước là một chủ đề đầy tiềm năng, là động lực bù đắp được những thiếu hụt ở chỗ khác. Do vậy, đổi mới cơ chế, chính sách là để doanh nghiệp nhà nước vận hành linh hoạt, phát huy hết tiềm năng, đồng thời phải quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình hộ kinh doanh khu vực đóng góp 30% GDP. Ngoài ra, TS.Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, phải cải cách mạnh mẽ hơn môi trường kinh doanh, đặc biệt chú ý nhiều hơn đến giải pháp về thu hút đầu tư nước ngoài. Cần có cái nhìn thực tế nhất về tốc độ khôi phục và tăng trưởng của Việt Nam so với các nước khác để có những giải pháp phù hợp và linh hoạt nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tận dụng các nguồn lực hồi phục và phát triển nền kinh tế./. Theo Quốc hội
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|