Hiện vẫn còn hơn 11,6 triệu bệnh nhân COVID-19 đang điều trị và hơn 169 triệu người đã hồi phục và xuất viện.
Do tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở các nước không giống nhau, nên trong khi nhiều nước bắt đầu mở cửa trở lại, người dân trở lại cuộc sống thường ngày, thì nhiều nước vẫn đang căng mình đối phó với dịch bệnh, đặc biệt là sự lây lan của các biến thể mới, trong đó có biến thể Delta.
Tại Mỹ, cuộc sống dần trở lại bình thường khi người dân có thể đi lại tự do và tập trung mà không cần đeo khẩu trang. Chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra rầm rộ, với khoảng 1 triệu mũi tiêm mỗi ngày. Chính do đó, hàng nghìn người dân đã đổ về khu trung tâm của thủ đô Washington D.C. để kỷ niệm Ngày Độc Lập với nhiều hoạt động chào mừng được tổ chức trực tiếp. Có thể nói, kỳ nghỉ lễ cuối tuần này đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch của nước này khi những hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã được dỡ bỏ trên hầu hết các bang của Mỹ cùng với số ca nhiễm và tử vong giảm đáng kể và người dân trở lại cuộc sống bình thường trước đây. Từ sáng sớm, các gia đình người dân Mỹ đã tập trung tại Đại lộ Constitution ở thủ đô Washington D.C. để chụp hình với các diễn viên hóa trang thành các nhân vật nổi tiếng hoặc viết chữ "Happy Four" bằng phấn trên các đường phố. Tại Mount Vernon, quê hương của Tổng thống đầu tiên của Mỹ, George Washington, nhiều người dân và trẻ em tập trung đông đúc trên đường để nhận kẹo từ cuộc diễu hành mà 1 năm trước đây đã bị hủy bỏ. Đặc biệt, người dân trên khắp các thành phố lớn được cùng nhau chào đón những màn pháo hoa rực rỡ tuyệt đẹp.
Trong khi đó, nhiều nước châu Á vẫn đang căng mình chống dịch. Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho rằng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này sẽ còn tiếp tục tăng trong 12 ngày tới. Theo ông, số ca mới mắc COVID-19 trong ngày hiện đã vượt 29.000 ca, song con số này hiện vẫn chưa đạt đỉnh. Ông kêu gọi toàn thể người dân hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ bằng cách tuân thủ lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp, đặc biệt là việc giảm các hoạt động đi lại của người dân.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani đề nghị chính phủ giải quyết ngay tình trạng thiếu oxy y tế cho các bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là ở Java và Bali. Bên cạnh tình trạng khan hiếm giường bệnh tại các bệnh viện, một vấn đề hiện không kém phần cấp bách cần khắc phục ngay tại Indonesia là tình trạng khan hiếm oxy cho bệnh nhân COVID-19. Theo bà Puan, chính quyền trung ương phải vào cuộc một cách hệ thống và nhanh chóng hơn để xử lý vì tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân đang được điều trị. Trong một động thái mới nhất, Chính phủ Indonesia đã quyết định kéo dài thời gian áp đặt lệnh PPKM quy mô nhỏ đối với các khu vực bên ngoài đảo Java và Bali từ ngày 6-20/7 tới.
Tình hình dịch bệnh tại Campuchia vẫn khá phức tạp khi số ca mắc COVID-19 vẫn ở mức cao. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 896 ca mắc COVID-19, trong đó có 210 ca nhập cảnh và 686 ca lây nhiễm cộng đồng, đưa tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 55.187 ca, bỏ xa con số 500 ca trong hai lần bùng dịch năm ngoái. Cuộc khủng hoảng COVID-19 ngày càng tồi tệ khi tổng số ca tử vong vì đại dịch đã lên tới 748 người, với 28 người tử vong trong 24 giờ qua và từ hai tuần trở lại đây, số người tử vong vì COVID-19 liên tục tăng nhanh đáng lo ngại.
Tại Thái Lan, Bộ Y tế nước này thông báo sẽ nâng công suất của bệnh viện dã chiến Bussarakham tại tỉnh Nonthaburi lên 4.000 giường nhằm đối phó với khả năng gia tăng các ca nhiễm biến thể Delta, nhất là tại thủ đô và các khu vực lân cận. Trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm 6.166 ca nhiễm mới và 50 trường hợp tử vong, đưa tổng số các ca nhiễm từ đầu mùa dịch tới nay lên 289.233 bệnh nhân, trong đó có 2.276 người không qua khỏi.
Để thuận tiện cho việc truy tìm người có liên quan hoặc có nguy cơ mắc COVID-19, Lào đã yêu cầu người nhập cảnh và người dân cài đặt ứng dụng LaoKYC trên thiết bị di động để nhận mã QR của dịch vụ “Lao Sou Sou” nhằm giám sát di chuyển trong giai đoạn dịch bệnh. Theo đó, mã QR sẽ được khai báo mỗi khi các cá nhân nhập cảnh hoặc di chuyển đến các địa điểm nhằm giúp cơ quan chức năng lưu trữ lại thông tin hành trình để phục vụ cho công tác dịch tễ có thể phát sinh. Bên cạnh đó, Chính phủ Lào cũng yêu cầu tất cả các nhà cung cấp dịch vụ, bao gồm cả nhà hàng và cửa hàng, phải đăng ký hệ thống và thiết lập mã QR qua địa chỉ: www.laokyc.gov.la để ghi nhận dữ liệu của khách hàng, đồng thời đề nghị các tỉnh đưa ra biện pháp xử phạt những trường hợp không tuân thủ chương trình LaoKYC. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 56 ca nhiễm mới, trong đó có 1 ca cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn, 11 ca cộng đồng tại tỉnh Viêng Chăn, còn lại là những ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác. Hiện tổng số ca bệnh tại Lào đã tăng lên 2.300 trường hợp.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, với 3 ca mắc mới COVID-19, đã buộc chính quyền thành phố Thụy Lệ thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, giáp biên giới với Myanmar tái áp đặt lệnh phong tỏa và bắt đầu chương trình tiêm chủng hàng loạt. Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng qua thành phố Thụy Lệ, nơi có hơn 210.000 dân, phải áp đặt lệnh phong tỏa sau khi phát hiện ca bệnh nhập cảnh từ Myanmar. Theo giới chức y tế tỉnh Vân Nam, 1 trong 3 ca nhiễm mới là người Myanmar.
Trong khi đó, chính quyền các bang Australia có thể phải hoãn kế hoạch đón sinh viên quốc tế quay trở lại sau quyết định của Thủ tướng Scott Morrison hôm 3/7 về việc cắt giảm lượng người được nhập cảnh. Các chuyên gia nhận định việc trì hoãn trên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của Australia là một điểm đến ưa thích của sinh viên quốc tế cũng như nguồn thu của các trường đại học trong nước. Người phát ngôn của Bộ Giáo dục mới đây cho biết chính phủ liên bang đang thảo luận với tất cả các bang và vùng lãnh thổ về việc đón sinh viên quốc tế quay trở lại “khi điều kiện cho phép”. Tuy nhiên, việc bảo vệ sức khỏe của người dân trong nước và đưa công dân Australia về nước, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, vẫn là ưu tiên của chính phủ. Tuy nhiên, do mới chỉ 7,2% dân số được tiêm chủng đầy đủ, cuộc đua để có được nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 tại Australia đang được ví như “đấu trường sinh tử”.
Hiện mỗi tuần, bang Queensland mới chỉ nhận được khoảng 65.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech từ chính quyền liên bang, ít hơn nhiều so với nhu cầu và năng lực tiêm chủng ở bang.Giải thích về tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine ngừa COVID-19, Bộ trưởng Y tế liên bang Greg Hunt nêu rõ thế giới đang trong “cuộc cạnh tranh lớn nhất” về nguồn cung vaccine. Tuy nhiên, ông cam kết chính quyền liên bang sẽ phân phối nhiều liều vaccine hơn cho các địa phương trong tháng 7 này cũng như các tháng tiếp theo của năm 2021.
Tại Nam Á, chính quyền thủ đô New Delhi (Ấn Độ) đã đóng cửa một khu chợ bình dân tại Lajpat Nagar do vi phạm các quy định phòng dịch. Tuần trước, Cơ quan Xử lý thảm họa Delhi (DDMA) đã ra lệnh đóng cửa chợ Laxmi Nagar ở Đông New Delhi trong một tuần do các vi phạm tương tự. Kể từ ngày 20/6, ít nhất 3 chợ nổi tiếng tại thủ đô, gồm Sadar Bazar, Sarojini Nagar và Kamla Nagar, được cảnh sát hoặc chính quyền phát thông báo cảnh báo về hành động tương tự.
Cùng ngày, Bangladesh đã kéo dài lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất cho đến ngày 14/7 nhằm kiềm chế số ca mắc COVID-19 gia tăng, chủ yếu do biến thể Delta gây ra. Các bệnh viện ở Bangladesh đang chật ních các bệnh nhân COVID-19, nhất là bệnh viện ở những vùng giáp biên giới Ấn Độ, nơi biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện. Bangladesh đã đóng cửa biên giới với Ấn Độ hồi tháng 4, song giao thương biên mậu vẫn được tiếp tục. Trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Á này đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu ở nước này với 153 ca, đưa tổng số ca tử vong lên 15.065 ca trong tổng số 944.917 ca bệnh. Cho đến nay, mới có 3% trong tổng số 170 triệu dân Bangladesh được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Tại châu Âu, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đã hối thúc người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhiều nhất có thể, đồng thời cảnh báo rằng quốc gia châu Âu này có thể rơi vào làn sóng dịch bệnh thứ 4 vào cuối tháng này do biến thể Delta có mức độ lây nhiễm cao. Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Veran cho hay trong 5 ngày qua, mức độ lây nhiễm không giảm mà nguyên nhân là do biến thể Delta. Ông cảnh báo tình hình dịch bệnh tại Anh là ví dụ cho thấy làn sóng thứ 4 có nguy cơ xảy ra ở Pháp, do vậy nước này phải đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng.
Trong thời gian gần đây, số ca nhiễm mới COVID-19 tại Anh tăng vọt, chủ yếu do biến thể Delta có khả năng lây lan cao. Anh đã ghi nhận hơn 128.000 ca tử vong do COVID-19 - nhiều thứ 2 ở châu Âu, sau Nga. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, những con số mới nhất cho thấy số ca nhiễm mới sẽ tiếp tục tăng khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, nhưng khả năng bệnh nhân phải nhập viện và tử vong giảm nhờ chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Vào tháng 12/2020, Anh là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai chương trình tiêm chủng và đến nay khoảng 64% số người trưởng thành ở nước này đã được tiêm hai liều vaccine. Tuy nhiên, Thủ tướng nước này Boris Johnson nhấn mạnh đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt, do đó người dân "phải bắt đầu học cách chung sống với virus gây bệnh này".