Giảm chỉ tiêu theo điểm thi tốt nghiệp, thí nông thôn lo lắng
Chỉ còn 2 tháng nữa Nguyễn Quang Huy, học sinh lớp 12A1, trường THPT Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội và hàng triệu thí sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Lo lắng, căng thẳng, lịch học hầu như kín tuần nhưng Huy vẫn quyết định nghỉ 1 ngày để tìm hiểu kỹ hơn về các nguyện vọng xét tuyển tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2022 tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Dự định đăng ký vào ngành tự động hóa của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điều Huy lo lắng nhất là chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 của trường này chỉ còn 20-30%. Trong khi đó, hơn 70% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng bài thi tư duy.
“Em đã làm bài thi thử đánh giá tư duy nhưng kết quả bình thường vì đề thi khá lạ. Nó không phải 40 câu hỏi phân hóa ở các mức độ như trong các đề thi tốt nghiệp mà bắt học sinh giải theo những cách không được học trên trường, bắt mình tư duy nhiều hơn”.
Chiến thuật của Huy trong 2 tháng nước rút là chia thời gian ra, dành nửa tháng để ôn lại kiến thức cơ bản, thời gian còn lại ôn kiến thức nâng cao. Sau khi thi tốt nghiệp, em sẽ tham gia kỳ thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Nguyễn Kiên Cường, học sinh 12 Tin - THPT chuyên Vĩnh Phúc cho hay, em dự định đăng ký nguyện vọng 1 vào trường ĐH Kinh tế quốc dân. Năm nay, lần đầu nhà trường xét tuyển theo phương thức đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nên Cường đã tham gia thi với kết quả 95/150 điểm.
Em dự kiến cũng sẽ xét tuyển theo phương thứ học bạ nhưng em cho rằng, với phương thức này em chỉ có thể đỗ vào những trường “vừa vừa”. “Để đỗ vào trường tốp, không thể trông chờ vào mỗi điểm thi tốt nghiệp vì chỉ tiêu ít quá”, Cường cho biết.
Tại ngày hội Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2022, nhiều ý kiến băn khoăn việc các trường ĐH năm nay dùng ít chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 sẽ khiến cho học sinh ở nhiều vùng nông thôn gặp thiệt thòi bởi các em chỉ có thể tiếp cận dễ dàng nhất bằng phương thức xét tuyển này.
Hơn 90% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi và học bạ
Trước băn khoăn của các thí sinh, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường chịu trách nhiệm điều phối chủ trì nhóm xét tuyển hơn 60 trường khu vực miền Bắc. Ông khẳng định, tâm lý cho rằng, các trường thu gọn chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức thi tốt nghiệp THPT là không chính xác. Năm nay phương thức xét tuyển theo điểm thi THPT và học bạ vẫn là phương thức xét tuyển cơ bản, chủ yếu nhất đối với xét tuyển ĐH 2022 với hầu hết các trường.
“Thí sinh nông thôn được cộng điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng. Với trường tốp và “ngành hot” tất nhiên chấp nhận sự cạnh tranh lớn, các trường đó có những phương thức khác, ví dụ ĐH Bách khoa tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy, đặc biệt lưu tâm đến việc xét tuyển vào một số "ngành hot" có tính cạnh tranh cao”.
Dự kiến kỳ thi riêng của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức vào ngày 15/7/2022 – một tuần sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông Điền cho rằng, “việc đăng ký và dự thi để lấy kết quả chỉ làm các em có thêm cơ hội xét tuyển vào "ngành hot" của Bách khoa Hà Nội và một số trường sử dụng kết quả này nói chung”.
Về việc chỉ tiêu tuyển sinh dành cho kết quả thi tốt nghiệp THPT ít nên thí sinh nông thôn không đủ sức cạnh tranh với các bạn thành phố, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định phải đến 95% các trường vẫn sử dụng phương thức tuyển sinh xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp.
“Điều này có nghĩa là cơ hội các bạn lớn, trừ những trường có môn thi năng khiếu, phải sử dụng phương thức khác để xét tuyển. Còn lại gần như 100% các trường đều sử dụng phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT. Không trúng tuyến trường này vẫn có nhiều cơ hội trường khác. Tất nhiên, nếu các em mong muốn đỗ vào các trường tốp đầu thì mức độ cạnh tranh lúc nào cũng cao như vậy dù bằng phương thức nào”, bà Thủy khẳng định.
“Chúng ta phải đặt tâm thế của thi cử là vươn lên và xuất sắc để vào trường hàng đầu. Còn cơ hội vào ĐH của các em tất cả các ngành nghề lĩnh vực trải rộng ở tất cả các trường trong hệ thống trên toàn quốc”.
Bà Thủy cho rằng, với xu thế tuyển sinh thế này, dần dần cách đánh giá năng lực thí sinh vào ĐH-CĐ vào ngành nghề đào tạo ở lĩnh vực đào tạo cao hơn chắc chắn có sự phân biệt chứ không chỉ để tốt nghiệp THPT rồi trúng tuyển ngay. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn vô cùng thuận lợi với thí sinh.
“Số lượng chỉ tiêu giảm đi nhưng nếu có tăng giảm hầu như chỉ di chuyển giữa 2 phương thức chính là điểm thi tốt nghiệp và kết quả học bạ. Dần dần các phương thức đánh giá năng lực cũng như các phương thức kết hợp khác tăng lên nhưng theo thống kê của chúng tôi, ngay năm 2021 vừa rồi chưa đến 10% phương thức khác, 90% vẫn là xét học bạ và xét theo kết quả thi tốt nghiệp”.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, phó Trưởng Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội trấn an thí sinh “chính các trường ĐH-CĐ cũng phải cạnh tranh để tuyển được thí sinh khá, giỏi nên các em yên tâm có nhiều cách thức để vào ĐH nếu có năng lực”.
Giảm điểm đánh giá năng lực
Nét nổi bật nhất trong tuyển sinh của trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay là năm đầu tiên trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng quản lý Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, vì năm đầu tiên xét tuyển theo phương thức này nên việc xác định điểm sàn nhận hồ sơ chưa chính xác. Do đó, trường ĐH Kinh tế quốc dân có thể giảm mức điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội khi nhận hồ sơ.
“Thông báo điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến trong phương án công bố ghi 100 điểm nhưng khi nghiên cứu lại, phổ điểm năm ngoái và năm nay của đánh giá năng lực khá thấp so với điểm trường ĐH Kinh tế quốc dân đặt ra là 100. Chính vì vậy, dự kiến sẽ giảm xuống khoảng 85 hoặc 90 điểm, đó là điểm hồ sơ sau đó lấy từ trên xuống dưới”, ông Triệu cho biết.
Trước băn khoăn của thí sinh về việc khi nào nhà trường chính thức nhận hồ sơ xét tuyển riêng, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo trường ĐH Ngoại thương cho biết, ĐH Ngoại thương vẫn đang đợi quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì mới công bố đề án chính thức. Tuy nhiên, từ trước Tết, nhà trường đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển chính thức dự kiến khoảng giữa tháng 6.
“Dự kiến từ 15/6-30/6 hệ thống xét tuyển riêng của các trường sẽ chính thức nhận hồ sơ nhưng từ tháng 1/2022 hệ thống xét tuyển riêng của trường ĐH Ngoại thương đã mở để thí sinh thực hiện việc xét tuyển thử.
Thí sinh cứ đăng ký những gì mình đã có lên hệ thống này, vướng mắc gì thì nhà trường sẽ liên tục tư vấn xem các em chọn ngành gì, phương thức gì, chứng chỉ gì để xét cho có kết quả tốt nhất. Đến thời điểm nhận hồ sơ chính thức chỉ việc ấn nút”.
Bà Hiền cho biết, đến nay, trên hệ thống xét tuyển thử của trường ĐH Ngoại thương đã nhận được hàng nghìn hồ sơ./.