Thi tốt nghiệp THPT 2021: Linh hoạt để thích ứng30/05/2021 - 08:20:00 Với kinh nghiệm của mùa thi 2020, năm nay kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 không còn những câu hỏi “sốt xình xịch” kiểu có tổ chức thi hay hoãn, thi một hay nhiều đợt? Tâm lý phụ huynh và thí sinh đã dần quen với việc chuẩn bị cho một kỳ thi mở trong tâm thế dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Hiện quan điểm của Bộ GDĐT là vẫn giữ nguyên thời gian thi như đã công bố. Trong trường hợp rất đặc biệt vì dịch bệnh diễn biến quá phức tạp, căn cứ đề xuất của địa phương, Bộ GDĐT sẽ cùng các địa phương quyết định phương án thi. Như vậy, sẽ không có một phương án “cứng” cho kỳ thi ở thời điểm này vì không thể biết trước dịch bệnh sẽ thế nào trong hơn 1 tháng nữa. Tâm thế của các thí sinh là vẫn phải tập trung ôn tập, giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng trước mắt. Đề thi chính thức giảm độ khó Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp trực tuyến về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GDĐT sẽ đưa ra mức độ của đề thi tốt nghiệp THPT phù hợp, ở ngưỡng theo tinh thần như đề thi tham khảo nhưng có giảm hơn. “Nếu phải tổ chức 2 đợt thi, đề thi sẽ được Bộ tính toán để có độ khó dễ tương đồng nhau” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh. Căng thẳng vùng dịch Chỉ còn hơn một tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ được tổ chức trên phạm vi cả nước trong khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương. Hàng chục nghìn học sinh (HS), cán bộ giáo viên đã và đang phải thực hiện cách ly. Tại Bắc Giang, tâm dịch nóng nhất cả nước, ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang cho hay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bắc Giang có hàng nghìn giáo viên, nhân viên và học sinh thuộc diện F0, F1, F2 và thuộc vùng phải cách ly, giãn cách xã hội. Việc tổ chức coi thi dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, đến ngày 27/5, toàn tỉnh Bắc Giang có trên 1.770 cán bộ, giáo viên liên quan đến các ca mắc Covid-19; trong đó có 1 F0, 134 F2, 615 F2 và trên 1.000 cán bộ, giáo viên trong các vùng cách ly, giãn cách. Riêng HS lớp 12 có trên 9.900 em phải cách ly; trong đó có 1 học sinh F0, 152 F1, gần 2.700 em F2 và 7.071 em ở trong vùng cách ly, giãn cách. Tại Bắc Ninh, tính đến ngày 27/5, Bắc Ninh đã có 627 ca mắc Covid-19 ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, với gần 5.000 F1 được truy vết. Trong số đó, khối 12 có 15 học sinh là F0, 125 em là F1, 394 em là F2, chủ yếu thuộc huyện Thuận Thành. Tại Lạng Sơn, đến ngày 27/5, toàn tỉnh có 48 F0, trên 2.300 F1, trên 19.000 F2; trong đó có 17 HS là F1, gần 600 em F2, trên 200 giáo viên là F2. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Giáo dục, Bộ GDĐT cho hay thống kê từ các địa phương đến ngày 27/5, đã có 18 trường hợp HS lớp 12 là F0 và 394 em là F1, chủ yếu ở 4 tỉnh Hà Nam, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Ninh. Theo ông Mai Văn Trinh, từ giờ đến khi diễn ra kỳ thi còn hơn một tháng nữa. Trong khoảng thời gian đó sẽ thêm các học sinh là F0 được chữa khỏi, có các em F1 hết thời gian cách ly. Các địa phương cần chỉ đạo tuyên truyền về việc nâng cao tinh thần phòng chống dịch, nhất là với HS lớp 12 và giáo viên làm công tác thi để hạn chế tối đa khả năng trở thành các F. Phương án cho thí sinh là “F” Theo đại diện Bộ Y tế, nếu có thể tổ chức các điểm thi cho đối tượng F1 ở trong khu cách ly là tốt nhất, bởi tổ chức tại một địa điểm thi ở ngoài khu vực cách ly, sẽ kéo theo nhiều vấn đề phức tạp. Hiện trong các hướng dẫn thi trong điều kiện địch Covid-19 bùng phát phức tạp, trong các văn bản của Bộ GDĐT cho biết, có thể tổ chức ở trong hoặc ngoài khu cách ly tùy theo điều kiện của từng địa phương. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Y tế, nếu tổ chức tại một địa điểm thi ở ngoài khu vực cách ly thì kéo theo nhiều vấn đề phức tạp như phương tiện đưa đón thí sinh, rồi sự tiếp xúc của người coi thi, người dân ở các khu vực đó gây nên nguy cơ lây nhiễm chéo,... Cụ thể, TS Bùi Hữu Toàn-Văn phòng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho biết trường hợp tổ chức điểm thi cho thí sinh F1 ở ngoài khu cách ly, các địa phương cần lưu ý xe đưa đón phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch. Đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi giãn cách trên xe, phải mở cửa sổ cho thông thoáng, lái xe và cán bộ đi theo xe phải mặc trang phục bảo hộ đầy đủ. Đặc biệt, phải dùng xe đưa đón riêng, chứ không phải các phương tiện công cộng. “Riêng những địa phương chỉ có 1, 2 trường hợp F1 hoặc các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, có thể thời gian tới sẽ thí điểm cách ly F1 tại nhà hoặc trạm y tế, có thể tổ chức một điểm thi cho đối tượng F1 ở ngoài khu cách ly. Còn đối với các tỉnh khác, nên tổ chức trong khu cách ly, phòng lây nhiễm chéo”- ông Toàn nói. Đối với các thí sinh diện F2, thi tại các phòng thi riêng biệt trong điểm thi, theo ông Toàn, các phòng thi phải thông thoáng, đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi, có cửa vào, ra riêng rẽ, trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn để rửa tay. Các cán bộ coi thi cho các đối tượng F1 bắt buộc phải mặc trang phục bảo hộ đúng quy định. Các phòng thi phải thông thoáng, đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi, có cửa riêng rẽ, trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn để rửa tay... Về công tác xử lý bài sau khi thi, ông Toàn cho hay, các điểm chấm thi, cần rọc phách và chấm thi riêng bài làm của các đối tượng F1, F2, tuyệt đối không chấm cùng các đối tượng thí sinh thường. Bài thi của các F phải để riêng, được khử khuẩn hòm thi, túi đựng bài thi, không khử khuẩn từng bài, tránh làm hỏng bài thi. Ưu tiên tiếp sức mùa thi tại chỗ Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2021 được tổ chức tại 63/63 tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021. Chương trình diễn ra trong khoảng thời gian ngày 15/5-9/7/2021, cao điểm ngày 6/7-9/7/2021. Ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ GDĐT cho biết năm nay, sẽ ưu tiên hoạt động tình nguyện tiếp sức mùa thi tại chỗ. Đối với hoạt động tình nguyện tập trung, cần phát huy được chuyên môn của tình nguyện viên và đảm bảo an toàn chống dịch. Điểm đặc biệt năm nay đó là chương trình “Tiếp sức mùa thi” sẽ tổ chức các buổi tư vấn trực tuyến trên các kênh truyền thông online với các nội dung trọng tâm là: Hỗ trợ tâm lý, công tác tuyển sinh, dinh dưỡng mùa thi, nội dung ôn luyện, bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao... Triển khai các mô hình tình nguyện trực tuyến qua cổng thông tin trực tuyến kết nối giữa tình nguyện viên và các thí sinh cần hỗ trợ về các nội dung: ôn thi, tư vấn chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi, giải đáp một số thắc mắc về kỳ thi,… Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|