Thi tot nghiep THPT: Pho diem 'ky la' cua mon Ngoai ngu hinh anh 1Phổ điểm với hai đỉnh chênh lệch của môn Ngoại ngữ. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Phổ điểm môn Ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đang thu hút sự chú ý của dư luận với hình dáng “kỳ lạ” khi có tới hai đỉnh thay vì một đỉnh như phổ điểm thông thường.

Đỉnh thứ nhất rơi vào quãng điểm từ 3,2 đến 4,4 điểm, tuy nhiên, thay vì thoải dần từ đỉnh xuống 10 điểm thì phổ điểm môn Ngoại ngữ năm nay lại lượn sóng, tạo đường cong với đáy ở quãng 7,2 điểm và tiếp tục đi lên lập đỉnh mới ở mức 9 điểm.

Điểm môn Ngoại ngữ tăng

Theo cô Nguyễn Thanh Hương, giáo viên môn Tiếng Anh, tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, so với năm 2020, phổ điểm cho thấy điểm môn Ngoại ngữ năm nay cao hơn năm 2020 khi đỉnh phổ điểm lệch về bên phải, ở mức điểm cao hơn đỉnh từ 3 đến 3,8 điểm của năm 2020. 

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm trung bình của các thí sinh là 5,84 điểm, tăng, 1,26 điểm so với mức điểm trung bình là 4,58 của năm 2020. Số lượng thí sinh đạt điểm dưới trung bình giảm khoảng 23% và số lượng thí sinh đạt điểm 10 cũng tăng gần 20 lần so với năm 2020 với 4.345 thí sinh đạt điểm 10 (năm 2020 là 225 em đạt điểm 10.)

Thi tot nghiep THPT: Pho diem 'ky la' cua mon Ngoai ngu hinh anh 2Phổ điểm môn Ngoại ngữ năm 2020. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Sườn phải từ đỉnh thứ nhất có sự dốc xuống mức từ 5-7 điểm cho thấy lượng thí sinh đạt điểm trung bình khá và khá tương đối nhiều. Số thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên năm 2020 là trên 40.000 em thì năm nay, con số này lên tới trên 200.000 em. Số điểm từ 9-10 của năm 2020 là 4.307 thí sinh, trong khi đó số điểm từ 9-10 của năm 2021 là 20.126 thí sinh, tăng khoảng 4 lần.

Theo cô Hương, việc đỉnh phổ điểm lệch về phía bên phải và số lượng thí sinh điểm cao tăng lên có thể cho thấy việc học Tiếng Anh hiện nay ở hầu hết các trường phổ thông được ưu tiên và đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này cũng một phần xuất phát từ việc điều chỉnh mức độ của đề thi theo hướng giảm độ khó của năm nay so với các năm trước đó. Việc số lượng thí sinh điểm cao nhiều với đỉnh thứ hai của phổ điểm rơi vào 9 điểm đã cho thấy đề thi ít có sự phân hóa đối với thí sinh khá, giỏi.

Trên thực tế, ngay sau khi kết thúc môn Ngoại ngữ, đề thi đã được nhiều thí sinh và giáo viên nhận định không quá khó và có tới 80% câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu. Nhiều thí sinh ở Hà Nội cho biết chỉ mất 15 phút để hoàn thành bài thi trong khi thời gian làm bài là 60 phút.

Phổ điểm lạ và sự chênh lệch vùng miền

Cũng theo cô Hương, phổ điểm môn Ngoại ngữ năm nay tương đối “lạ” khi xuất hiện đến hai đỉnh trên cùng một phổ điểm thay vì chỉ có một đỉnh như phổ điểm thông thường.

“Cần phân loại được những khu vực, vùng có phổ lệch trái và những khu vực, vùng nào có phổ lệch phải để có những sự phân tích chuyên sâu hơn. Từ đó có thể có hướng điều chỉnh phù hợp cho công tác giảng dạy Tiếng Anh ở mỗi khu vực trong những năm tiếp theo,” cô Hương nói.

Thi tot nghiep THPT: Pho diem 'ky la' cua mon Ngoai ngu hinh anh 3Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đây cũng là nhận định của thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên tại Hà Nội. Theo thầy Tùng, phổ điểm môn Tiếng Anh là tín hiệu mừng cho thấy kết quả thi môn Ngoại ngữ tăng lên, nhưng cũng cho thấy bức tranh vùng miền.

“Có thể thấy hai đỉnh của phổ điểm môn Ngoại ngữ đại diện cho hai vùng riêng biệt: Khu vực có điều kiện khó khăn hơn với đỉnh thứ nhất, ở quãng 3,2 đến 4 điểm, và khu vực thuận lợi hơn với đỉnh thứ hai, ở quãng 8-9 điểm,” thầy Tùng nói.

[Thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT trúng tuyển Đại học Ngoại thương]

Hai đỉnh phổ điểm thể hiện sự khác biệt về việc dạy và học ngoại ngữ của khác khu vực, vùng miền cũng là nhận định của một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phân tích phổ điểm. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, các nhận định đều cần phải dựa trên các số liệu cụ thể để có cơ sở đánh giá chính xác, từ đó đưa ra phương thức phù hợp.

“Tôi cho rằng phổ điểm môn Ngoại ngữ năm nay là một hiện tượng thú vị. Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có thể bóc tách dữ liệu đến từng quận, huyện, thậm chí từng trường trung học phổ thông trên cả nước để từ đó tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp phù hợp. Đây là việc rất cần thiết để nâng chất lượng đào tạo môn Ngoại ngữ, nhất là ở các khu vực còn nhiều khó khăn, chất lượng dạy và học chưa cao,” vị chuyên gia nói./.