Học "on-lai" nhưng không ái ngại!
So với hai khóa 2k2 và 2k3, những "chú khỉ" 2k4 đang đối mặt với nhiều thách thức hơn khi phải dành cả một học kì để học trực tuyến. Đây là một điều chưa từng xảy ra với hai khóa trước đó, khi thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài đến cuối năm 2021.
Phạm Thanh Giang, sĩ tử từ trường THPT Nguyễn Công Trứ chia sẻ "Ban đầu mình khá lo lắng vì học online có những sự cản trở về thiết bị học tập cũng như tình trạng mạng không ổn định, nhưng sau khoảng thời gian trở lại trường học, mình đã phần nào được thầy cô bổ sung những kiến thức còn yếu nên mình cũng cảm thấy yên tâm hơn với những bài kiểm tra sắp tới."
Bùi Thị Thùy Trang, sĩ tử từ trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho rằng môn học mà bạn sợ nhất là tiếng Anh. "Trong lúc học, mình dễ tập trung hơn vì có không gian học một mình; thầy cô vì phải giảng bài online nên sẽ soạn bài lên powerpoint, mình có thể dễ dàng chụp màn hình lại nếu em ghi chép không kịp hoặc xin thầy cô video bài giảng để ôn bài lại."
"Mách nước" nạp năng lượng tức thì
Trong một môi trường cạnh tranh, “peer pressure” là điều mà không chỉ Thùy Trang hay Thanh Giang mà sĩ tử 2k4 nào cũng từng trải qua.
Nhưng các sĩ tử đã "giữ một cái đầu lạnh" để có một tinh thần ôn thi thoải mái nhất có thể. Với Thanh Giang, bạn thường nghe nhạc K-pop và dance cover để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Còn Thùy Trang lại cho rằng yoga và vẽ là bộ môn giúp bạn xả stress hiệu quả nhất.
"Mình thì thường sẽ đặt ra cho bản thân những nhiệm vụ cần hoàn thành trong 1 giờ chẳng hạn, mình sẽ cố hoàn thành trong 1 giờ đồng hồ ấy rồi nghỉ giữa giờ 15 phút. Sau đó thì mình lặp lại chu kì đó thêm 5-6 lần nữa trong ngày. Cứ khoảng 3 tiếng học như vậy thì mình sẽ giải lao dài khoảng 45-1 tiếng để ăn uống/nạp lại năng luợng. Học ngắt quãng giúp não bộ của mình được thư giãn và minh mẫn hơn. Ngoài chuyện học ra thì mình thường luôn dành ít nhất 10 phút mỗi ngày để rèn luyện thể chất, đối với mình thì đó cũng là một cách xả stress rất tốt.", một tips hay ho từ bạn Hoài Cương, trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM.
Hoài Cương chia sẻ tip hay ho trong việc quản lí thời gian học tập. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ từ các "cựu" sĩ tử
Vào thời điểm năm ngoái, các sĩ tử 2k3 đi thi trong tâm thế hoang mang bởi bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Mặc dù điểm thi đã phổ biến các biện pháp an toàn như bố trí nước rửa tay, giữ khoảng cách cho thí sinh trong phòng thi,...; nhưng nguy cơ là F0 là hoàn toàn có thể xảy ra. Áp lực chồng áp lực, nhưng không vì thế mà các sĩ tử năm đó mất bình tĩnh trong phòng thi.
"Có một thứ rất quan trọng mà hầu như ít bạn nào chuẩn bị, đó chính là tâm lí. Mình cũng đã từng ngồi trên chiếc ghế ấy, cầm tờ đề thi ấy nên mình hiểu cảm giác đó như thế nào. Trước khi nhận đề, mình nhắm mắt lại và hít thở thật sâu. Sau đó, mình đọc lướt qua tờ đề, đánh dấu những câu hỏi cần lưu ý để dành thời gian cho nó nhiều hơn.", chia sẻ từ bạn Hồ Anh Tuấn, cựu học sinh trường THPT Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Phạm Bảo Ngọc, sinh viên ĐHKHXH&NV TP.HCM, lại không khỏi nổi da gà khi nhắc lại khoảng thời gian "dày vò bứt tóc". "Nhắc lại khoảng thời gian một mình ngồi đối diện với cái máy tính 15 tiếng/ngày mà mình xanh mặt luôn á. Cũng có lúc nản lắm chứ, nhưng không ai thúc đẩy mình bằng chính bản thân mình cả. Trong lúc ôn thi, mình đã luyện từ những dạng đề ở mức độ nhận biết đến dạng đề vận dụng cao. Như vậy thì mình mới bao trọn những câu hỏi của đề."
Nhắc lại việc ôn thi 15 tiếng/ngày khiến Bảo Ngọc phải "xanh mặt". Ảnh: NVCC |
Luyện đề là phương pháp giúp bạn cọ xát với tâm lí trong phòng thi |