Thị trường bán lẻ cạnh tranh gay gắt17/08/2024 - 14:53:00 Các kênh bán lẻ đang có sự cạnh tranh gay gắt. Người tiêu dùng mua sắm online liên tục tăng mạnh, vì vậy, doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua mạng. Ở góc độ khác, kênh bán lẻ hiện đại cũng liên tục mở rộng với sự ra đời của các cửa hàng, siêu thị và trung tâm thương mại.
Tăng bán hàng qua mạng Theo báo cáo thị trường bán lẻ trực tuyến 6 tháng năm 2024 của Công ty Dữ liệu thương mại điện tử Metric, trung bình mỗi ngày người tiêu dùng Việt Nam chi xấp xỉ 800 tỷ đồng trên thương mại điện tử. Kết quả, tổng doanh số của sàn thương mại điện tử trong nửa năm qua đạt 143.900 tỷ đồng, tăng 54,91% so với cùng kỳ 2023. Rõ ràng, tăng trưởng trên phản ánh thị trường E-Commerce đang phát triển rất mạnh. Nhiều hình thức mua sắm mới được phát triển mạnh mẽ, điển hình là xu hướng livestream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng chuyên nghiệp. Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung - Quản lý cao cấp phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại NielsenIQ Việt Nam cho rằng, thị trường tiêu dùng đã thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, mua sắm trực tuyến gia tăng. Nhìn nhận rõ tiềm năng phát triển bán lẻ trên các sàn nhiều doanh nghiệp Việt đẩy mạnh bán hàng online. Đại diện Mirabi Coffee cho biết, đơn vị chưa xây dựng cửa hàng bán trực tiếp nhưng đẩy mạnh bán hàng trên thương mại điện tử. Hiện sản phẩm cà phê của doanh nghiệp đã có mặt trên Shopee, Lazada... Theo ông Gijae Seong - Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, 5 năm qua, các sản phẩm sức khỏe, nhà cửa, nhà bếp, may mặc... của Việt Nam liên tục nằm trong top các ngành hàng có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trên Amazon. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon. Trong đó, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Hiện số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng gần gấp 10 lần. Mở rộng mặt bằng bán lẻ Đánh giá cao sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung khẳng định: Bán lẻ Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt. Tiếp cận mua sản phẩm ở kênh bán lẻ hiện nay quá đơn giản. Vì bán lẻ hiện đại liên tục mở rộng, ở một khu dân cư nhưng người tiêu dùng có thể trải nghiệm 3 - 4 loại dịch vụ bán lẻ nhau. Thực tế cho thấy, bất chấp sức mua thị trường bán lẻ chưa thật sự khởi sắc, song các tập đoàn trong và ngoài nước tiếp tục nhân rộng điểm bán ở nhiều tỉnh thành. Đơn cử, Saigon Coopmart đã ghi nhận 800 điểm bán các loại của hệ thống. Đáng lưu ý, chỉ trong một ngày cuối tháng 7, đơn vị này đồng loạt khai trương 6 cửa hàng Co.op Smile. Nâng tổng số cửa hàng của loại hình này lên con số 108 cửa hàng. Dự kiến, đến hết năm 2024, hệ thống Co.op Smile đạt 140 cửa hàng. Tương tự, chỉ trong tháng 6/2024, Vincom Retail khai trương 3 trung tâm thương mại tại 3 tỉnh - thành. Không thua kém các doanh nghiệp Việt, Aeon xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm lớn thứ hai bên cạnh Nhật Bản, nên tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Mới đây, Aeon thông báo khởi công trung tâm thương mại Aeon tại TP Tân An, Long An. Đây chính là đại siêu thị thứ 8 của Tập đoàn Aeon tại Việt Nam và đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bà Từ Thị Hồng An - Giám đốc Cấp cao dịch vụ cho thuê thương mại Savills Việt Nam cho biết, tại TPHCM và Hà Nội, mỗi thành phố có khoảng 1,5 triệu m2 diện tích bán lẻ cho thuê. Đặc biệt, tổng diện tích cho thuê luôn duy trì công suất hoạt động trên 90% trong nhiều năm. Hiện nay, mảng đầu tư vào trung tâm thương mại quy mô lớn từ 100.000m2 sàn trở lên đang thu hút sự quan tâm và nguồn lực của nhiều gương mặt cả trong và ngoài nước như Vincom, Aeon Mall, Central Retails... Trong tương lai dự kiến có thêm Central Pattana, thành viên khác của Central Group. “Đối với các chủ đầu tư trong nước, thế mạnh là sự hiểu biết về người tiêu dùng cũng như quỹ đất hiện có. Ngược lại, chủ đầu tư nước ngoài cũng có những điểm mạnh và chiến lược riêng” - bà An nói. Nhận định thị trường bán lẻ, ông Phạm Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Thị trường trong nước với 100 triệu dân. Điều này đồng nghĩa sức tiêu thụ rất lớn, dư địa thị trường rất lớn. Doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để phát triển thị trường theo hướng bền vững. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|