Thị trường vàng rung lắc08/11/2023 - 15:30:00 Thời gian này, giá vàng thế giới có nhiều biến động. Thị trường vàng trong nước theo đó cũng “nhảy múa”, rung lắc. Ngay trong một phiên giao dịch giá vàng miếng cũng đã lên xuống thất thường, trong khi chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới vẫn rất cao.
“Nhảy múa” vì tin đồn Tính riêng tháng 10, nếu như giá vàng thế giới đã tăng hơn 7% và vượt mức quan trọng 2.000 USD/ounce, giá vàng trong nước cũng đã tăng 2,6% và vượt mức đỉnh của năm là 71 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, đến nay, giá vàng trong nước hiện đang "hụt hơi" so với giá vàng thế giới. Tuần qua, giá vàng giảm 650 nghìn đồng/lượng. Nhiều người ví von “vàng đang đi tàu lượn” khiến cho người mua bán vàng “đau tim”. Đặc biệt trong ngày giao dịch 6/11, buổi sáng giá vàng giảm 2 triệu đồng/ lượng, thì đến đầu giờ chiều giá vàng lại tăng ngược lại hơn 1 triệu đồng/lượng. Bước sang ngày 7/11, giá vàng miếng vẫn tụt sâu ở chiều bán ra, trong khi chiều mua vào được nâng lên. Cập nhật dữ liệu tại thời điểm 11h ngày 7/11, tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng niêm yết ở mức 68,3 - 69,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), chênh lệch giữa hai chiều mua - bán khoảng 1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng hơn 10 triệu đồng/lượng. Vậy, nguyên nhân khiến cho giá vàng trong nước mấy phiên gần đây biến động mạnh là gì? Lý do được chỉ ra là các tin đồn thất thiệt trên thị trường sau khi Ngân hàng Nhà (NHNN) nước ban hành Thông tư 12 sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Cụ thể, NHNN bổ sung quy định Cục Quản lý dự trữ ngoại hối sẽ tham gia vào các quy trình giao dịch đấu thầu vàng miếng giữa NHNN và các tổ chức tín dụng. Trong đó, có quy định về “trách nhiệm của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước làm đầu mỗi phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối trình Thống đốc NHNN xem xét, quyết định tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định; thông báo cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp quyết định của NHNN về việc tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng”. Từ quy định này, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin thất thiệt về việc sau ngày 27/11 (ngày Thông tư có hiệu lực) sẽ tạm dừng giao dịch vàng miếng, nhiều người kêu gọi ai nắm giữ vàng miếng hãy bán để đổi sang vàng nhẫn để tránh khó khăn khi giao dịch sau này. Nhà ở gần phố vàng Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bà Mai Đào Cúc chia sẻ, 2 ngày trở lại đây bà ngạc nhiên khi thấy các cửa hàng vàng đông người hơn. Tìm hiểu thì mới biết nhiều người dân sợ không giao dịch được vàng nữa nên đem đi bán. “Những đồn thổi như vậy mà người dân vẫn tin được thì lạ thật. Từ xưa đến nay giữ vàng có bao giờ thua thiệt đâu, chưa kể vàng thương hiệu quốc gia chứ có phải vàng gia công đâu” - bà Cúc nói. Trong khi đó, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), không chỉ thị trường vàng mà ở thị trường khác như chứng khoán nhà đầu tư “lệ thuộc” khá nhiều vào tin đồn. Điều này khiến cho giá không phản ánh đúng cung - cầu thị trường. Còn theo bà Nguyễn Thị Yến (ĐBQH đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thì nếu xem khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới là một thước đo cho sự chênh lệch cung - cầu vàng trong nước có thể thấy thị trường vẫn đang bị thiếu cung. Khắc phục tình trạng “một mình một chợ” Để quản lý, điều hành thị trường vàng, từ năm 2012 Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời. Cũng từ đây các cơn sốt vàng chấm dứt, hiện tượng vàng hóa nền kinh tế giảm mạnh, song tình trạng giá vàng trong nước “một mình một chợ”vẫn chưa được giải quyết triệt để. Có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 20 triệu đồng/lượng. Nhiều chuyên gia cho rằng Nghị định 24 ban hành hơn 10 năm đến nay cần chỉnh sửa cho phù hợp thực tế. NHNN cần giảm bớt kiểm soát vàng nữ trang. Riêng với vàng miếng SJC, cần bỏ độc quyền vàng miếng SJC, mà cho phép nhiều đơn vị tham gia sản xuất vàng miếng. Chia sẻ với báo giới, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng việc sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần được khuyến khích đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khi giá vàng nội cao hơn giá quốc tế, thì doanh nghiệp cần được nhập khẩu vàng nguyên liệu để có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Người Việt giảm nhu cầu mua vàng Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng thế giới quý 3 cho thấy, vị thế của kênh tài sản này vẫn vững vàng, thể hiện qua việc ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì tốc độ mua vàng ở mức kỷ lục, đưa nhu cầu vàng toàn cầu trong quý 3 (không bao gồm thị trường OTC) chạm mức 1.147 tấn, vượt 8% so với trung bình trong 5 năm. Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 11,9 tấn trong quý 3/2023 so với 12,0 tấn trong quý 3/2022. Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu trang sức trong nước giảm 14% so với cùng kỳ, từ 3,5 tấn trong quý 3/2022 xuống còn 3 tấn trong quý 3 năm nay. Tuy nhiên, sự suy giảm này được bù đắp bởi sự tăng trưởng nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng, với mức chênh lệch 4% so với cùng kỳ, từ 8,5 tấn lên 8,8 tấn. Ông Shaokai Fan - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc) kiêm Giám đốc Toàn cầu về ngân hàng trung ương tại Hội đồng Vàng thế giới, cho biết: Nhu cầu trang sức ở Việt Nam trong quý 3 ở mức thấp nhất kể từ năm 2021. Lạm phát cao cùng mức độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng đã ảnh hưởng đến sức mua đối với vàng. Giá vàng trong nước diễn biến đồng pha với thị trường quốc tế. Giá kim loại quý giao ngay cũng giảm 12 USD trong 24 giờ qua, xuống 1.972 USD một ounce. Nếu quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank (chưa thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương 58,1 triệu đồng một lượng. Mỗi lượng vàng miếng trong nước hiện cao hơn giá quốc tế trên 11 triệu đồng. Bên cạnh đó, vàng nhẫn trong nước giảm chậm cộng với tỷ giá trong nước cũng đi xuống nên chênh lệch với thế giới lên gần 1,6 triệu đồng một lượng. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|