Vốn là điểm sáng của nền kinh tế song xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với khó khăn do lạm phát gia tăng trên toàn thế giới và nhu cầu giảm sút ở nhiều thị trường.
Hàng loạt các nhóm hàng như nguyên liệu, công nghiệp chế biến; nông sản đã giảm mạnh và những mặt hàng chủ lực, có thế mạnh như thủy sản, dệt may “đói” đơn hàng khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối diện với nguy cơ mất thị trường.
Việc thiếu vắng các đơn hàng, cộng thêm xu hướng giảm giá hàng hoá khiến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của năm nay đối mặt với nhiều thách thức.
Vậy cần những giải pháp nào thúc đẩy xuất khẩu thời gian tới và việc mở rộng thị trường xuất khẩu cần được tính toán như thế nào?
Phóng viên TTXVN đã ghi nhận những ý kiến của chuyên gia, đại diện Hiệp hội xung quanh vấn đề này.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân:
Trong bối cảnh hiện nay, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là bài toán sống còn của doanh nghiệp, tất nhiên những thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ không dễ thay đổi được trong thời gian một đến hai năm.
Đây là bài toán mà doanh nghiệp mong chờ và bản thân doanh nghiệp cũng đã có những động thái tích cực để thúc đẩy. Đã có những phân tích, gợi mở của chuyên gia về việc mở rộng thị trường, ví dụ như thị trường Ấn Độ, Canada đang tích cực tiến đến thị trường Việt Nam, vậy tại sao chúng ta không chủ động để có thể trao đổi, đàm phán và tìm cơ hội với những thị trường này?
Đối với vấn đề này, những cuộc trao đổi, tiếp xúc ban đầu là cung cấp thông tin nền cho hai phía, song để mở được thị trường mới và gia tăng thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, bớt phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống thì đầu tiên với vai trò dẫn dắt của cơ quan nhà nước, các bộ ngành phải rà soát lại xem những thị trường này đã có Hiệp định thương mại với Việt Nam chưa và những chính sách, cơ chế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể giao thương thuận lợi được?
Cùng với đó là chương trình xúc tiến từ phía doanh nghiệp và phía cơ quan nhà nước, bước đầu là những hoạt động như vậy.
Một câu chuyện không thể thiếu là nghiên cứu thị trường, vấn đề này trong giai đoạn vừa qua, theo đánh giá chung, hoạt động của doanh nghiệp và của khối cơ quan nhà nước chưa thực sự gắn kết với nhau.
Hy vọng rằng, hoạt động nghiên cứu thị trường không chỉ nằm trên giấy, nó phải là những bài toán phân tích thấu đáo về cơ hội, thế mạnh, thách thức, đối thủ cạnh tranh như thế nào? Việt Nam có hay không cơ hội ở đó và cần phải làm gì để đạt được cơ hội? Đấy là những hoạt động mà công - tư phải phối hợp chặt chẽ để tiến hành.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP):
Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt khoảng 4 tỷ USD. Dù tương đương 6 tháng năm 2022 nhưng cũng để lại nhiều mối lo cho việc hoàn thành 10 tỷ USD của năm 2023.
Tuy nhiên, chúng tôi thấy không nên quá bi quan, mà chấp nhận tình hình thực tế của thị trường, từ đó có thời gian cho ngành củng cố, tiếp cận thông tin kịp thời hơn để chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn cuối năm.
Về tổng thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn giảm nhưng qua các tháng gần đây đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi và còn chậm. Các thị trường nhập khẩu đã có những dấu hiệu giải quyết được hàng tồn kho mà họ đã mua quá nhiều vào năm 2022. Đây là tín hiệu tốt cho các đơn hàng mới thời gian tới sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, mùa lễ hội cuối năm cũng thường có nhu cầu cao về thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng. Quan trọng nữa là thị trường Trung Quốc cũng đang có sức tiêu thụ mạnh hơn. Trong khi đó, một số quốc gia sẽ kết thúc vụ thu hoạch sản phẩm nên chúng ta hi vọng tình hình xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm có thể phục hồi nhanh.
Các doanh nghiệp đang tiếp tục theo dõi và đánh giá tình hình tiêu thụ của các thị trường, điển hình như Mỹ. Cùng với đó là làm sao đủ nguyên liệu chế biến khi thị trường phục hồi. Mặc dù giá không làm hài lòng người nuôi nhưng vẫn có thể đảm bảo nguồn nguyên liệu. Các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tốt hơn cho năm 2024, đó là tập trung cho người nuôi được tiếp cận vật tư đầu vào với giá thành tốt hơn.
Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, doanh nghiệp tiếp tục củng cố chất lượng bằng các chứng nhận quốc tế, kinh tế xanh để xây dựng thương hiệu cũng như quảng bá thủy sản Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh:
Thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt Nam dường như đã ngủ quên trên chiến thắng ở một số thị trường xuất khẩu truyền thống và đây được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến các đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam bị ‘rơi” vào tay các đối thủ. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp và mặt hàng của Việt Nam bám trụ được và giữ vững.
Hy vọng rằng, với bài học mà Việt Nam đã có, không chỉ các doanh nghiệp dệt may mà ngay cả doanh nghiệp da giày, doanh nghiệp gỗ cũng sẽ rút ra những bài học để từ đó doanh nghiệp phải đổi mới quá trình sản xuất cũng như trong quá trình tiếp cận thị trường.
Điều quan trọng, Việt Nam cần mở rộng thị trường xuất khẩu vì Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với nhiều quốc gia. Với những quốc gia mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhỏ và chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn. Chính vì vậy, việc mở rộng thị trường cũng là vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu tâm và cần có sự đồng hành của cơ quan nhà nước.
Thêm nữa, vấn đề của doanh nghiệp hiện nay là thị trường trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm, vì vậy việc làm sao để tiếp cận với thị trường trong nước để từ đó có thể xuất khẩu tại chỗ hoặc đáp ứng nhu cầu nội địa cũng là nội dung mà các doanh nghiệp cũng cần phải để ý.
Để giải bài toán này, các doanh nghiệp cần có sự liên kết với nhau và liên kết với các thương vụ, đại sứ quán ở các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại để có thể đưa hàng hóa xuất khẩu kèm với những ưu đãi có được. Đồng thời, việc này cũng giảm được chi phí tiếp cận thị trường cũng như các chi phí về tìm hiểu và nắm bắt đối tác.
Đây cũng là một trong những hướng quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam có thể đa dạng hóa các hoạt động xuất khẩu, không quá phụ thuộc vào một thị trường, qua đó tránh những tác động tiêu cực khi có biến động ở thị trường nhập khẩu.