Trong bối cảnh sức ép gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng khó duy trì vai trò “người đứng giữa” trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Sự “phân chia” - tách các vấn đề chính trị, chiến lược và kinh tế với việc thiết lập mối quan hệ công việc, là khía cạnh xác định trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga hiện nay.
Xuyên suốt cuộc xung đột ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã khá thành công trong việc duy trì sự cân bằng phức tạp giữa các đồng minh phương Tây và Nga - đối tác kinh tế quan trọng của Ankara. Chiến lược này thể hiện trong các cuộc đàm phán ngoại giao sâu rộng và trung gian hòa giải liên tục giữa Kiev và Moscow. Tuy nhiên, chịu sức ép ngày càng gia tăng từ cả 2 phía trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài và leo thang, chiến lược “phân chia” của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ mất đi tính bền vững và khả năng áp dụng trong vấn đề Ukraine.
Vai trò “người đứng giữa”
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Ankara đã thực hiện một nỗ lực đáng kể để chứng minh vị thế là thành viên đáng tin cậy của của NATO. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước đầu tiên trong liên minh cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí quan trọng. Viện trợ quân sự của Ankara tập trung vào việc cung cấp máy bay không người lái (UAV), đặc biệt là UAV Bayraktar TB2 cho Kiev.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cung cấp giải pháp cho một số vấn đề chiến lược cấp bách ở Ukraine. Vài ngày sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Ankara đã nhanh chóng viện dẫn Công ước Montreux và đóng cửa Eo biển Dardanelles và Bosporus với tàu chiến Nga. Trong bối cảnh cảng Odessa bị phong tỏa và nguy cơ khủng hoảng lương thực, Ankara đã làm việc cùng với Liên Hợp Quốc để thiết lập một hành lang ngũ cốc, cho phép các tàu bị mắc kẹt ở cảng Ukraine có thể khởi hành và đưa ngũ cốc ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, với tư cách là trung gian, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc trao đổi song phương và tị nạn chính trị. Ankara cũng đóng vai trò trong việc hỗ trợ trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine vào cuối tháng 9/2022.
Sức ép từ cả hai phía
Tuy nhiên, khi Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng chứng tỏ là một quốc gia NATO đáng tin cậy, vẫn còn những hạn chế về địa kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới trên biển với Nga và sự cân bằng quyền lực giữa Moscow-Ankara rất quan trọng đối với an ninh ở khu vực Biển Đen. Hai nước cũng có những ràng buộc kinh tế không thể phủ nhận, chủ yếu trong lĩnh vực du lịch và thương mại. Bên cạnh đó, Nga đã nhiều lần tuyên bố họ sẵn sàng lấp đầy khoảng trống trong các yêu cầu an ninh cấp bách của Thổ Nhĩ Kỳ - những khiếm khuyết một phần được tạo ra bởi sai lầm trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như sự xao nhãng của phương Tây.
Đây là lý do mặc dù củng cố khả năng quân sự của Ukraine trước sự xâm lược của Nga, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng thể hiện sẵn sàng coi Su-35 như một sự thay thế cho kế hoạch hiện đại hóa F-16. Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ đang có một dự án năng lượng chiến lược với Nga, dưới hình thức Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, cũng như một thỏa thuận gần đây về dự án đường ống đưa khí đốt của Nga tới châu Âu.
Với việc Nga liên tiếp tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu bao gồm cả ở Kiev, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể quay lưng lại với Nga. Nhưng về mặt lý trí, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần các đồng minh phương Tây phải thừa nhận những lo ngại về an ninh chính đáng của nước này. Ở thời điểm hiện tại, việc củng cố lòng tin giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO là mục tiêu quan trọng.
Thực tế này thể hiện trong tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vào đầu tháng 10/2022. Ông Cavusoglu tuyên bố rằng cả Ukraine và Nga đã “nhanh chóng rời xa ngoại giao” và rằng “một lệnh ngừng bắn khả thi” giữa hai bên cần phải được “thiết lập càng sớm càng tốt”.
Thế cân bằng ngày càng mong manh
Tuyên bố của Ngoại trưởng Cavusoglu chỉ mang tính hình thức, vì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phụ thuộc vào Nga trong một số lĩnh vực quan trọng khác nhau, bao gồm năng lượng, du lịch và an ninh.
Về năng lượng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phụ thuộc vào Nga với 45% nhu cầu khí đốt. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, vẫn chưa rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể trả mức giá mà Nga yêu cầu hay không. Bất chấp những kế hoạch mới nhằm biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm trung chuyển khí đốt của Nga đến các thị trường châu Âu, việc đảm bảo nguồn cung qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream) vẫn nằm trong tay Nga. Đây là yếu tố rủi ro đối với cả Ankara và các đồng minh phương Tây.
Kế hoạch mới đề xuất thành lập một trung tâm phân phối ở Thổ Nhĩ Kỳ để Nga xuất khẩu nhiều khí đốt hơn sang châu Âu thông qua TurkStream. Mặc dù dự án mới này sẽ có lợi cho Tổng thống Erdogan ở trong nước, nhưng nó có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình thế khó khăn hơn so với các đồng minh phương Tây - những nước đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Về mặt tài chính, hệ thống ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng bị phương Tây gây sức ép. Điều này dẫn đến việc các ngân hàng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ tạm ngừng thanh toán theo hệ thống Mir của Nga. Quyết định này cũng buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải cân nhắc các lựa chọn thay thế khác để thực hiện các giao dịch với Nga.
Chịu sức ép từ cả hai bên, Thổ Nhĩ Kỳ đang “đi trên lớp băng mỏng”, nhưng nghịch lý là “lớp băng” đó sẽ trở nên mỏng manh hơn khi mùa đông đến gần. Việc thúc đẩy Ankara quyết định hành động cùng với các đồng minh NATO sẽ liên quan đến một cuộc đối thoại cởi mở nhấn mạnh lợi ích chung, cũng như sự đồng cảm với Thổ Nhĩ Kỳ về các mối quan tâm và nhu cầu an ninh của Ankara./.