“Thuật thôi miên” trộm tài sản
Cuối tháng 6/2023, Công an huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đã bắt giữ đối tượng Trần Thị Ngọc Dung (50 tuổi, quê Bình Dương) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trộm cắp tài sản”.
Vài ngày trước đó, Dung tới gõ cửa nhà bà N.T.G (83 tuổi), lúc này đang ở nhà một mình tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng. Bà G. ra mở cổng thì Dung xưng là bạn của người thân bà, và nhanh nhảu khoe mình mới trúng vé số được rất nhiều tiền. Dung hứa hẹn cho bà G. 10 triệu đồng rồi đề nghị bà dẫn vào nhà.
Chỉ với vài phút nói chuyện, bà G. đã làm theo, đưa đối tượng vào phòng ngủ và chỉ chỗ cất tiền dành dụm được. "Nữ quái" đã nhanh tay lấy hết số tiền, vàng của bà G. và tẩu thoát. Sau khi đối tượng rời đi, bà G. mới phát hiện bị mất tiền nên nhờ người đi trình báo cơ quan Công an. Tiếp nhận tin báo của người dân, Công an huyện Bàu Bàng đã vào cuộc điều tra.
Khi phát hiện đối tượng Trần Thị Ngọc Dung xuất hiện tại phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Công an huyện Bàu Bàng đã đề nghị Công an sở tại phối hợp bắt giữ. Tại thời điểm bị bắt, trên người bà Dung có hơn 180 triệu đồng cùng một số tài sản khác.
Làm việc với công an, đối tượng khai với thủ đoạn tương tự, đã gây ra hơn 10 vụ tại huyện Bàu Bàng, huyện Dầu Tiếng, thị xã Bến Cát, TP Thủ Dầu Một và thị xã Chơn Thành (Bình Phước) với tổng số tiền chiếm đoạt của các nạn nhân khoảng 400 triệu đồng.
Bà G. tuy tuổi cao nhưng vẫn minh mẫn và tỉnh táo, sau sự việc bà G. kể lại, bản thân không làm chủ được hành động khi nghe đối tượng Dung nói chuyện. Không hiểu tại sao lúc ấy bà lại nghe lời của Dung mà không hề có chút hoài nghi. Chỉ khi đối tượng Dung ra khỏi nhà thì bà mới sực tỉnh và biết mình đã bị lừa.
Trò “thôi miên” để trộm cắp tài sản giống như Trần Thị Ngọc Dung không hề mới, mà đã từng xảy ra từ nhiều năm nay và được cảnh báo rộng rãi.
Bà Lê Thị Minh T., 56 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, khoảng hơn một năm trước, bà đang ngồi bán quần áo tại chợ Thị Nghè, Q. Bình Thạnh thì có một người phụ nữ tới hỏi mua hàng. Người này vừa chọn đồ vừa nhiệt tình nói chuyện với bà, sau đó người này chọn được bộ đồ mặc vào người và quay sang hỏi bà T. trông hợp không, đẹp không? Bà T. thuận miệng khen rối rít và chỉ khoảng hai phút “khen ngợi”, bà móc trong ví ra toàn bộ số tiền gần 5 triệu đồng đưa cho người phụ nữ cùng hai bộ quần áo trị giá 1,2 triệu đồng cũng không tính tiền. Khi đối tượng mất dạng, bà T. mới giật mình, hoảng hốt chạy đi tìm thì đã không còn dấu vết gì nữa.
Sau vụ bị “thôi miên”, bà T. đã lắp đặt camera trong sạp quần áo của mình và luôn cảnh giác với người lạ, người có dấu hiệu khả nghi.
Trường hợp của ông Huỳnh Công M., 60 tuổi, ngụ P. Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức lại bi hài hơn. Hôm ấy, ông M. ở nhà một mình thì có một người phụ nữ tay ôm bịch nhang đứng ngoài cổng chào hàng. Ông M. vẫn đứng phía trong cổng để nói chuyện, đại ý từ chối không mua. Tuy nhiên, người phụ nữ đã nhanh chóng lái sang chuyện hỏi đường buộc ông M. nán lại. Ít phút sau, ông M. mở cửa cho người phụ nữ vào nhà rồi tự nhiên rút hết ví tiền ra đưa cho cô ta. Phải 10 phút sau ông M. mới phát hiện mình bị lừa mất tiền, lúc này đối tượng đã “lặn không sủi bọt”.
Ông M. cho rằng, chính mùi hương mà người phụ nữ ôm đi bán đã mê dụ và “thôi miên” mình. Khi tỉnh lại, ông thấy đầu rất đau và choáng váng. Cảm giác này kéo dài khoảng 30 phút thì hết.
Cảnh giác với người lạ
Lý giải cho điều này, nhà nghiên cứu khoa học Lê Văn Tuấn nhận định: “Khả năng thôi miên có thật, nhưng người có khả năng thôi miên rất hiếm, chỉ xuất hiện ở một số nước trên thế giới. Hiện tại ở Việt Nam chưa phát hiện được trường hợp nào có khả năng thôi miên. Hình thức người ta gọi là thôi miên được các đối tượng sử dụng để cướp đoạt tài sản của người dân trong thời gian gần đây nhiều khả năng chỉ là do một loại hương liệu".
Theo ông Tuấn, những trường hợp nạn nhân bị thôi miên chiếm đoạt tài sản rất có thể đối tượng xấu đã sử dụng một loại ma túy đặc biệt và rất hiếm. Loại thuốc này phần lớn là ở dạng bột để pha vào nước, tất nhiên là cũng có ở dạng nước và tỏa khí gần như cồn Ê-te. Đặc tính của loạt này đều không có mùi vị. Nó làm cho bộ não của người bị hại quên mọi thông tin đã có trước khi uống hoặc ngửi phải 15 phút và ngay khi tỉnh cũng cần phải tới 10 phút sau bộ não mới có thể ứng xử bình thường được. Trong trường hợp này thì người bị hại không hề nhớ được mặt kẻ đã hại mình, chỉ nhớ được tài sản khi “lỡ” trao cho kẻ gian.
Thôi miên không thể lừa được người nào, bởi nguyên tắc trong thôi miên là phải có sự đồng thuận từ hai phía. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, dù ít dù nhiều, con người ai cũng có khả năng thôi miên người khác. Song ở chiều ngược lại, không phải ai cũng dễ bị thôi miên.
“Tại Việt Nam nếu ai đó có khả năng thôi miên thì tại sao họ không tìm đến Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người để tham gia nghiên cứu khoa học. Họ có thể kiếm được nhiều tiền từ tài năng của mình, chứ không cần đem đi làm những việc lừa đảo, phi đạo lý, vi phạm pháp luật”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Là người từng đi dự nhiều phiên tòa xét xử đối tượng lừa đảo có dấu hiệu “thôi miên” nạn nhân, luật sư Nguyễn Thị Hồng Thắm - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: Nhiều người nhắc đến thôi miên như một điều gì đó thật đáng sợ, nếu như ai đó bị thôi miên thì tự mở két, mở ví lấy tiền, vàng đưa cho kẻ gian. Nhiều nạn nhân khác cho biết họ đang bán hàng, có người vào mua món hàng trị giá thấp nhưng đưa tiền có mệnh giá cao, đang loay hoay trả lại tiền thì không hiểu “ma xui quỷ khiến” thế nào mà lấy toàn bộ tiền trong két ra đưa cho người lạ. Đến khi sực tỉnh thì vị “khách” đã cao chạy xa bay.
Ngoài ra, có nhiều người bị mắc lừa với thủ đoạn như: Đối tượng thường vô tình gặp nạn nhân, thường là phụ nữ, những người già rồi vờ nói ra bệnh tật hoặc một nhược điểm trên khuôn mặt của họ kiểu như bị mộng mắt, bị nám da… rồi mách thuốc chữa. Hoặc nhiều đối tượng còn đến các cửa hàng kinh doanh nói có mối hàng giá rẻ, rồi lòng vòng dùng các trò “ảo thuật”. Không hiểu với các chiêu thức lừa tinh vi đánh vào tâm lý muốn chữa bệnh, đánh vào lòng tham của nạn nhân hay là dùng các biện pháp thôi miên mà nhiều người đã nghe theo sự dẫn dụ của đối tượng, tháo tất tật đồ trang sức đeo trên người, thậm chí còn về tận nhà mở tủ đưa tiền cho chúng.
Trong đại đa số các trường hợp mất tiền không thể lý giải được kể trên, người bị hại đều tin rằng họ đã bị thôi miên. Tất cả đều cho rằng, họ không nhìn thấy những kẻ đó lấy tiền của họ và trong khi mọi chuyện diễn ra, họ hầu như không tỉnh táo. Thậm chí, nhiều người còn khẳng định, những kẻ đó đã dùng mắt nhìn xoáy vào họ rất lâu để họ u mê đi và cứ thế tự tay lấy tiền đưa cho chúng. Phải chăng, vì bị thôi miên mà họ mất tài sản?
Thực chất, khi thực hiện tội phạm, đối tượng đã lên kế hoạch chi tiết tiếp cận “con mồi”. Chúng dành thời gian quan sát hoạt động của nạn nhân, khi tổ chức trộm cướp tài sản, chúng sẽ dùng chiêu tạo những tình tiết làm phân tán “con mồi”, lợi dụng sơ hở để trộm cắp đồ. Tại phiên tòa xét xử những vụ án như thế này, các đối tượng đều khai chúng không có khả năng thôi miên, mà dùng thủ thuật hoặc một loại khí hướng thần nhằm làm cho nạn nhân mất kiểm soát hành vi, dễ rơi vào bẫy lừa đảo.
Để phòng tránh những kẻ xấu dùng thủ thuật lừa đảo trên đường, ngoài xã hội, nhà nghiên cứu Lê Văn Tuấn lưu ý, khi vô tình gặp người lạ, chúng ta cần chú ý tuyệt đối tới hành động của người đó. Nếu chỉ tình cờ gặp, không nên đọc thư, tắt điện thoại hộ hay uống nước mà người đó đưa cho mình.
Đặc biệt, cũng nên tránh nhìn trực tiếp vào người đó quá lâu bởi khi đó, chẳng khác nào đang mời gọi kẻ xấu “thôi miên” mình. Thường xuyên cử động để người lạ không thể nhìn lâu vào mắt và gáy của mình, hoặc chủ động làm việc khác để ngắt mạch dẫn dắt của họ.
Khi có người lạ tới nhà, kiểu như hỏi thăm đường sá hoặc địa chỉ, hoặc bán hàng…mà chỉ có một mình ở nhà thì tuyết đối không tiếp xúc quá gần. Luôn nhớ ngắt câu chuyện đang nói, thỉnh thoảng quay đi nhìn phía khác, tránh nhìn lâu vào mắt đối tượng. Chủ động làm việc khác để chấm dứt sự dẫn dắt của kẻ xấu như xem đồng hồ, chỉnh lại quần áo hoặc quay sang gọi điện thoại cho ai đó.