Tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tập trung trả lời nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực ngân hàng, gồm tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về hỗ trợ phục hồi kinh tế, lạm phát, nợ xấu, lãi suất...
Thiếu hành lang pháp lý cho vay ngang hàng
Trả lời câu hỏi các đại biểu quan tâm về hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending), bà Hồng cho biết sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending). Tuy nhiên việc thiếu một hành lang pháp lý cho hoạt động này đã gây ra nhiều vấn đề.
Về lý thuyết, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên trên thực tiễn, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm đơn vị này đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.
Xây dựng hành lang pháp lý cho tiền ảo
Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về triển khai nghiên cứu đồng tiền kỹ thuật số quốc gia? Nêu rõ tình hình triển khai thí điểm thời gian qua có những khó khăn gì? Những giải pháp cần thiết để phát triển dịch vụ này, giúp người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa có thể sử dụng thuận lợi?
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay thời gian vừa qua phương tiện thông tin đại chúng, dư luận rất quan tâm, khi thì đề cập đến tiền điện tử, khi thì đề cập đến tiền ảo, tài sản ảo. Vì vậy, khái niệm này cần phải làm rõ.
Thống đốc lý giải tiền điện tử là thể hiện của đồng tiền pháp định của Ngân hàng Trung ương phát hành dưới dạng tiền giấy, xu nhưng người cầm tiền lưu giữ dưới dạng điện tử trong điện thoại, máy tính bảng. Ngân hàng Nhà nước đã có quy định ví điện tử là tiền điện tử. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đang sửa đổi Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt để làm rõ khái niệm này.
Đối với tiền thuật toán, hay còn được gọi là tiền ảo, tài sản ảo như bitcoin, theo Thống đốc, không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương các nước phát hành mà do các tổ chức, cá nhân tạo ra bằng các thuật toán trên mạng máy tính, như Bitcoin. Thống đốc nêu rõ đồng tiền này chỉ được thừa nhận trong cộng đồng nhất định như cộng đồng game, sàn công nghệ...
Mỗi nước có cách quản lý khác nhau với tiền ảo. Có nước coi tiền ảo như một tài sản như chứng khoán để thu thuế, cấp phép giao dịch. Với Việt Nam, Chính phủ giao các bộ ngành nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý cho tiền ảo và Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp các cơ quan chức năng để thực hiện.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời câu hỏi của đại biểu Thanh Mai (Hà Nội) về việc vay qua app, trang web, bà Hồng cho hay hoạt động này đã xuất hiện ở Mỹ, Anh khoảng chục năm. Những năm gần đây, cho vay qua app, trang web lan sang các nước châu Á, trong đó, có Việt Nam. Ở một số nước như Trung Quốc có thời điểm cao điểm thành lập tới hàng nghìn trang web để thực hiện cho vay.
Đây là nền tảng công nghệ kết nối người cho vay và người vay. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai ở một số nước châu Á xuất hiện việc không tách bạch tiền của người cho vay, đi vay và người lập ra trang, sàn đó có thể là người đi vay hoặc cho vay, gây mất an toàn, trật tự xã hội. Do đó, một số nước đã tiến hành các biện pháp siết vấn đề này.
Ở trong nước, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng các bộ, ngành nghiên cứu và qua khảo sát xác định có các tổ chức xuất hiện cho vay qua app, web. Hiện đang dự thảo nghị định quy định về hoạt động này để có hành lang pháp lý để an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh./.