Vượt qua vòng loại U23 châu Á bằng 2 chiến thắng tối thiểu trước U23 Đài Bắc Trung Hoa và U23 Myanmar là điều đáng khen ngợi trong bối cảnh đoàn quân của HLV Park Hang-seo gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị chuyên môn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tính từ VCK U23 châu Á năm 2016, U23 Việt Nam đã 4 lần liên tiếp giành quyền góp mặt trong lịch sử 5 lần giải đấu này được tổ chức. Điều này đồng nghĩa U23 Việt Nam sẽ đối diện với những rào cản mạnh nhất khu vực châu Á. Bên cạnh đó là nhiệm vụ bảo vệ “ngôi vương” SEA Games và ASIAD cùng diễn ra trong năm 2022. Nhưng, nhìn vào thực tế màn trình diễn, chất lượng con người và hiệu quả lối chơi tại Kyrgyzstan vừa qua, chúng ta không khỏi lo lắng cho hành trình của U23 Việt Nam sắp tới.
Có thể thấy rõ U23 Việt Nam hiện tại không có một bộ khung cố định từ giải quốc gia để làm xương sống, thiếu vắng những cầu thủ chất lượng, đa phần hạn chế về kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Điều này khiến việc vận hành lối chơi chưa có tính kết dính cao, mảng miếng chưa định hình và thiếu sắc sảo. Cũng vì vậy mà lập tức họ bị đem ra so sánh với thế hệ đàn anh thành công năm 2018.
Bóng đá đôi khi là câu chuyện của những lứa cầu thủ, ở bất kỳ nền bóng đá nào, thời thế luôn đổi thay dựa trên các nhóm tài năng nối tiếp nhau. Đào tạo trẻ là yêu cầu tiên quyết với một nền bóng đá, là nền móng cho mọi sự phát triển. Nhưng để cho ra đời một “thế hệ vàng” lại cực kỳ khó. Sau thế hệ thành công rực rỡ thời gian qua, bóng đá Việt Nam đang đón chào lứa U23 mới với những cái tên lạ lẫm. Nhưng không may mắn như các đàn anh, lứa này không có nhiều cơ hội “kề vai sát cánh” cùng nhau.
Đội hình U23 hiện tại đến từ nhiều CLB khác nhau thi đấu ở V.League, hạng Nhất, hạng Nhì và có rất nhiều cầu thủ không được thi đấu thường xuyên. Một số cầu thủ chủ chốt như Hai Long, Lý Công Hoàng Anh, Thanh Bình, Bùi Hoàng Việt Anh... tuy góp mặt khá đều đặn ở V.League, nhưng lại non kinh nghiệm quốc tế và chưa có ai trong số này chiếm được vị trí chính thức trên tuyển Việt Nam. HLV Park Hang-seo từng không ít lần nói về việc các CLB tại Việt Nam ít tạo điều kiện cho những cầu thủ trẻ có được vị trí trong đội hình qua đó khiến những tài năng khó có cơ hội “rèn luyện”. Thêm vào đó hai năm qua, các giải đấu quốc nội bị hoãn, hủy liên tục vì dịch Covid-19, sân chơi của các cầu thủ trẻ đã hẹp lại càng hẹp hơn.
Cũng vì vậy, cho đến trước trận đấu với U23 Đài Bắc Trung Hoa, U23 Việt Nam mới có 4 trận đấu giao hữu. Hai trong số đó là đấu với các đàn anh ở đội tuyển quốc gia, hai trận còn lại là với U23 Tajikistan và U23 Kyrgyzstan trong chuyến tập huấn tại Dubai (UAE) ít ngày trước khi bước vào vòng loại. Chừng ấy là không đủ để các cầu thủ có sự nhuần nhuyễn với nhau khi bước vào một trận đấu chính thức. Trong khi đó, lối chơi bóng ngắn và trung bình mà ban huấn luyện xây dựng cần sự ăn ý rất lớn từ các cầu thủ có mặt trên sân, cả về cách di chuyển, phối hợp và dứt điểm. Đã vậy, các cầu thủ cũng đến từ nhiều đội bóng với cách xây dựng lối chơi khác nhau, thì thật khó để có được sự ăn ý chỉ bằng việc tập chay và những trận đấu tập nội bộ. Các cầu thủ trẻ cần thêm nhiều thời gian để tích lũy, hiểu nhau hơn và cũng để những người làm chuyên môn hiểu thêm về họ, giúp họ trưởng thành.
Với tình hình vừa đá, vừa sửa như hiện tại, U23 Việt Nam sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong năm 2022. Chỉ riêng việc bảo vệ tấm HCV SEA Games đã được coi là thử thách rất lớn cho thầy trò HLV Park nếu nhìn vào năng lực hiện nay, cùng sự tiến bộ của các đối thủ trong khu vực. Còn khoảng hơn sáu tháng nhiệm vụ đầu tiên là SEA Games 31 sẽ diễn ra trên sân nhà, và cũng là quãng thời gian cho ban huấn luyện tìm ra lối chơi hiệu quả để phát huy khả năng của những thành viên trong đội U23. Để một đội bóng thay đổi tích cực là việc không hề đơn giản và để làm vừa lòng người hâm mộ Việt Nam lại càng khó hơn.