Thủ tướng Canada đối diện nguy cơ bị phế truất21/12/2024 - 10:36:00 Ngày 20/12, đồng minh quan trọng của Thủ tướng Canada là Lãnh đạo đảng Dân chủ mới đã tuyên bố sẽ sớm đệ trình việc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội sau khi Hạ viện trở lại làm việc sau kì nghỉ đông vào cuối tháng 1/2025.
Điều này cũng đồng nghĩa chính phủ thiểu số của Đảng Tự do cầm quyền hiện nay đối diện với nguy cơ lật đổ. Hồi năm 2022, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố thỏa thuận giữa đảng Tự do cầm quyền và đảng Dân chủ mới, theo đó đảng Dân chủ mới sẽ ủng hộ chính phủ thiểu số của Thủ tướng Trudeau đến năm 2025. Động thái ủng hộ này nhằm đổi lại việc chính phủ xúc tiến triển khai các chính sách quan trọng của đảng Dân chủ mới liên quan đến các vấn đề như nhà ở, biến đổi khí hậu... Tuy nhiên với tuyên bố trên của Lãnh đạo đảng Dân chủ mới, ông Trudeau có khả năng sẽ phải chấm dứt vai trò Thủ tướng – chức vụ mà ông đã nắm giữ hơn 9 năm qua, nếu tất cả các đảng đối lập cùng ủng hộ, và khi đó một cuộc bầu cử sẽ sớm diễn ra. Theo một số cuộc thăm dò được tiến hành trong 18 tháng qua, đảng Tự do cầm quyền khả năng cao sẽ bị đảng Bảo thủ đối lập chính tại Canada đánh bại. Hiện nay, đảng cầm quyền cũng đang hứng chịu làn sóng chỉ trích của cử tri liên quan đến tình trạng giá cả tăng cao và khủng hoảng nhà ở. Với chính sách khá giống đảng Tự do cầm quyền, đảng Dân chủ Mới đang muốn tìm cách thu hút sự ủng hộ của các cử tri trung tả khi lên tiếng cho rằng chính quyền của ông Trudeau quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp lớn. "Bất kể ai lãnh đạo đảng Tự do, thời của chính phủ này đã hết. Chúng tôi sẽ đưa ra một động thái rõ ràng về việc bất tín nhiệm trong phiên họp tiếp theo của Hạ viện", ông Singh cho biết. Lãnh đạo của đảng đối lập Bloc Quebecois cam kết sẽ ủng hộ động thái trên và cho biết không có kịch bản nào cho thấy Thủ tướng Trudeau sẽ tại nhiệm sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Về đảng đối lập Bảo thủ, họ cho biết sẽ yêu cầu Toàn quyền Mary Simon triệu tập Quốc hội để tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm trước khi kết thúc năm. Các chuyên gia về hiến pháp cho biết khả năng cao, Toàn quyền Simon sẽ bác bỏ đề xuất trên. Hiện nay, chính quyền của Thủ tướng Trudeau đang đối mặt với nhiều thách thức, kể cả nhân sự và việc triển khai chính sách. Cách đây chưa đầy 1 tuần, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland đã đột ngột từ chức chỉ vài giờ trước khi dự kiến trình bày báo cáo kinh tế mùa Thu của Chính phủ. Bà Freeland nêu rõ nguyên nhân sâu xa của việc từ chức là do bất đồng quan điểm về định hướng phát triển đất nước. Vụ việc trên khiến cho Chính phủ Canada lại càng thêm “chật vật”, nhất là khi báo cáo kinh tế mùa Thu được xem là lộ trình tài chính quan trọng của chính phủ trong bối cảnh Canada đang đối mặt với mối đe dọa thuế quan từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Sự ra đi của bà Freeland càng làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng nhân sự trong nội các Canada, khi trước đó đã có 6 bộ trưởng tuyên bố không tái tranh cử. Gần đây nhất là việc nghị sĩ Randy Boissonnault, cựu Bộ trưởng Nhà ở, từ chức vì những bê bối liên quan đến tuyên bố về nguồn gốc thổ dân và các giao dịch kinh doanh. Tình hình này đặt chính phủ Canada trước thách thức phải bổ nhiệm gấp 8 vị trí trong nội các. Quay lại tuyên bố của lãnh đạo đảng Dân chủ mới, nhiều nhà phân tích đánh giá động thái trên của ông Singh là quyết định phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Việc chờ đợi để Thủ tướng Trudeau và chính phủ của ông thoát khỏi “mớ bòng bong” hiện nay không phải là điều sáng suốt. Động thái này cũng được xem là có thể giúp đảng Dân chủ mới thu hút được thêm nhiều cử tri trong cuộc bầu cử tiếp theo tại Canada. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác thì cho rằng tuyên bố trên của ông Singh cũng đưa lại những rủi ro chính trị nhất định khi mà các cuộc thăm dò gần đây cho thấy một thất bại nặng nề cho đảng Tự do cũng mang lại tin xấu cho đảng Dân chủ mới. Trước khi ông Singh đưa ra thông báo, một nguồn tin thân cận với Thủ tướng Trudeau cho biết ông sẽ nghỉ Giáng sinh để suy nghĩ về tương lai của mình và khó có thể đưa ra bất kỳ thông báo nào trước tháng 1 năm tới. Về mặt nội bộ, cho đến nay đã có khoảng 20 nhà lập pháp Đảng Tự do cầm quyền công khai kêu gọi Thủ tướng Trudeau từ chức nhưng nhiều thành viên nội các của ông vẫn thể hiện thái độ trung thành. Cuộc khủng hoảng xảy chính trị tại Canada đang rơi vào thời điểm được nhận định là khá quan trọng với đất nước này. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025 và cam kết sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Canada, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế. Thủ hiến của 10 tỉnh của Canada đang tìm cách có cách thức thống nhất trong xử lý về vấn đề thuế quan - cái mà họ gọi là tình trạng hỗn loạn ở Ottawa. Theo TTXVN/Tin Tức
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|