Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe báo cáo về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế.
Đặc biệt về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cơ sở thực tiễn phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo tránh phát sinh tiêu cực, tránh tình trạng tạo môi trường sai phạm cho các cán bộ, đi đôi với đó là việc sợ trách nhiệm, sợ sai và không làm, từ đó lãng phí nguồn lực, tăng chi phí tuân thủ cho người dân doanh nghiệp.
Về quan điểm, Thủ tướng chỉ rõ, những gì đã chín đã rõ, thực hiện có hiệu quả thực tế chứng minh là đúng, đa số đồng tình thì quyết tâm sửa và đưa vào luật, tinh thần là vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Thủ tướng lưu ý, không tạo ra môi trường cơ chế xin cho, không đầu tư dàn trải, đầu tư trung ương thì tập trung cho liên vùng, kết nối tỉnh, kết nối quốc gia, kết nối quốc tế, liên kết kinh tế nói chung chứ không phải là riêng dự án giao thông mà còn các dự án trong lĩnh vực khác như an ninh, quốc phòng, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao... Tuy nhiên cũng có các trường hợp ngân sách trung ương bổ sung, hỗ trợ cho cho địa phương. Đối với các công trình kết nối giữa các huyện với nhau, giữa xã với xã, trong địa phương thì địa phương phải lo ngân sách đầu tư.
Thủ tướng yêu cầu, phải linh hoạt sử dụng các nguồn vốn trong và ngoài nước, nguồn vốn trung ương và địa phương, cùng với đó phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, tăng cường giám sát kiểm tra, tránh việc lợi dụng chính sách để tham nhũng, tiêu cực, khen thưởng và xử lý kỷ luật nghiêm minh kịp thời. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, các cấp, các ngành, giảm chi phí tuân thủ.
Việc phân cấp, phân quyền của vốn đầu tư, Thủ tướng yêu cầu, thủ tục phải rút gọn, tránh rườm rà, tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án nhưng cần phải thiết kế điều khoản quản lý chặt chẽ, bên cạnh đó cần đánh giá tác động.
Về vốn ODA phải làm sao cho chính sách thông thoáng, quản lý được và phải khớp với chính sách của các đối tác nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong quá trình làm thì phải phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, lấy thêm ý kiến tham gia của các địa phương, các nhà chuyên gia, nhà khoa học.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần mạnh dạn làm, trong quá trình làm nếu còn ý kiến khác nhau thì trao đổi, chia sẻ, tinh thần là phải cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe và quan trọng là phải đảm bảo được mục tiêu chung là cho đất nước phát triển, giải phóng mọi nguồn lực trong xã hội, trong nhân dân và thực sự là lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, kích hoạt mọi nguồn lực để phát triển đất nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Thủ tướng đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến của các thành viên Chính phủ có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Các ý kiến góp ý cần ngắn gọn, phân tích tác động, trên cở sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để gửi cho Bộ Kế hoạch Đầu tư, tinh thần là đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, mà đã làm, đã thực hiện là phải ra sản phẩm cân đong đo đếm được, lượng hóa được, đảm bảo chất lượng, đảm bảo yêu cầu của cuộc sống, đảm bảo thực tiễn đang đòi hỏi và đảm bảo được mong muốn của nhân dân